Tăng cường kiến thức dự phòng tránh lây nhiễm từ mẹ sang con
Trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉn thường xuyên được thăm khám sức khỏe định kỳ. |
Nếu thực hiện tốt các biện pháp điều trị dự phòng từ lúc mang thai, người mẹ nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con bình thường, khỏe mạnh. Những em bé này tiếp tục được chăm sóc đặc biệt để tránh lây nhiễm HIV từ mẹ.
Chị Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thông tin với chúng tôi: “Mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận gần chục trẻ bị bỏ rơi, lang thang cơ nhỡ và trẻ sơ sinh. Trong số đó nhiều bé có HIV do lây nhiễm từ cha, mẹ. Cha, mẹ thiếu ý thức, trách nhiệm, thiếu hiểu biết về phòng tránh HIV/AIDS, dẫn đến hậu quả là con trẻ phải gánh chịu. Dẫu không là ruột thịt, nhưng đối với những đứa trẻ đã đến đây, tất cả chúng tôi đều là cha, mẹ và đây là mái nhà chung của bọn trẻ”. Chị Hường nhớ lại: Năm 2016, trung tâm nhận nuôi bé Vũ Thu Phương (2 tháng tuổi, phường Quang Vinh, T.P Thái Nguyên) có bố mẹ đều nhiễm HIV. Bố mẹ bé đều được quản lý, điều trị ARV tại Trung tâm Y T.P Thái Nguyên. Khi mang thai, chị N.T.D. - Mẹ bé đã biết mình nhiễm HIV từ chồng, do đó chị được bác sĩ tư vấn rất kỹ về việc chăm sóc, dự phòng lây nhiễm HIV cho con sau sinh. Ngay từ tuần thứ 6 sau sinh, bé Thu Phương đã được đưa đến Trung tâm Y tế Thành phố để theo dõi, điều trị dự phòng. Tại đây, bé được khám bệnh, làm các xét nghiệm cần thiết, uống thuốc dự phòng HIV trong đủ 42 ngày; được cung cấp sữa bột miễn phí thay thế sữa mẹ để phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ trong vòng 6 tháng. Do thực hiện tốt quy trình điều trị, nên các xét nghiệm PCR lần 1, bé Phương đều có kết quả âm tính với HIV. Sau một thời gian Trung tâm nhận nuôi dưỡng, giờ đây, bé đã được ông, bà nội đón về chăm nuôi, do sau sinh, cha bỏ đi, mẹ lâm bệnh phổi nặng và mất sau đó.
Đối với trường hợp bé Dung (tên do Trung tâm đặt) thì có hoàn cảnh đặc biệt hơn. Cả cha và mẹ Dung đều nhiễm HIV, lại thường xuyên đi làm ăn xa, nên không thăm khám khi mang thai, đến năm 2018, khi sinh Dung, cha và mẹ cháu mới biết bị nhiễm HIV. Cha, mẹ cháu đã để lại cháu ngay Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ và bỏ đi. Rất may mắn, các bác sĩ đã can thiệp kịp thời và điều trị tích cực, nên sau các xét nghiệm ban đầu Dung đều âm tính với HIV. Bác sĩ Hồ Sĩ Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện ĐồngHỷ chia sẻ: Với trường hợp cháu Dung, sau khi đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nuôi dưỡng, được 18 tháng tuổi, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động làm xét nghiệm lần 2 và có kết quả âm tính với HIV, bé hoàn toàn khỏe mạnh và ra khỏi chương trình quản lý. Đồng thời bé đã được hòa nhập cộng đồng trong ngôi nhà Trung tâm Bảo trợ xã hội. Trong trường hợp nếu có kết quả dương tính với HIV, bé sẽ tiếp tục được cung cấp thuốc điều trị theo tình trạng sức khỏe, được chuyển tiếp các dịch vụ dự phòng, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội...
Phương và Dung chỉ 2 trong số rất ít trẻ em may mắn được phát hiện ngăn ngừa kịp thời lây nhiễm HIV từ mẹ sang con khi mang thai. Theo thống kê của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, mỗi năm Trung tâm tiếp nhận 3-5 trẻ có HIV đều trong tình trạng không cha, mẹ và suy kiệt sức đề kháng, khó có thể chăm sóc kéo dài. Còn theo thống kê của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, số người nhiễm HIV mới phát hiện trên toàn tỉnh là 69 người, tăng 64 người so với cùng kỳ 2018. Đặc biệt, trong số đó có 119 bệnh nhân là trẻ em đang được theo dõi, điều trị ARV. Còn theo số liệu tổng hợp được công bố trong tháng 7-2019 của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2019, với số bệnh nhân phát hiện mới tăng lên Thái Nguyên trở thành địa phương đứng thứ 3 trên toàn quốc về tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trên 100.000 người dân, đồng thời đứng thứ 4 về tỷ lệ nhiễm trên cả nước (sau Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh và T.P Hải Phòng). Cũng theo thống kê của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện còn trên 6.700 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó, 6 tháng đầu năm 2019, số bệnh nhân thường xuyên được theo dõi và điều trị ARV là 3.826 người, số bệnh nhân được quản lý điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là 2.331 người. Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tăng trong thời gian qua, như: Lực lượng lao động từ nhiều nơi dồn về do sức hút từ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, dẫn đến tình trạng dễ lây nhiễm, hoặc tăng cơ học. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất chính là phòng ngừa HIV/AIDS tấn công, xâm nhập vào giới trẻ, vào công nhân lao động và nguy hiểm hơn là trẻ em.