Tạo bứt phá nhờ đổi mới cách nghĩ, cách làm
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra việc cập nhật các thông tin, công khai các thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” |
Tại Hội nghị công bố kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các sở, ban, ngành, địa phương năm 2017 cho thấy, nhiều sở, ngành đã có sự cải thiện đáng kể trong bảng xếp hạng, trong đó nổi lên là sự bứt phá ngoạn mục của Ban Dân tộc tỉnh. Từ đơn vị đứng cuối cùng của bảng xếp hạng năm 2016, năm 2017 đã vươn lên ở vị trí thứ 11/19 sở, ngành, tăng 8 bậc so với năm trước, tăng cao nhất so với các đơn vị. Vậy đâu là giải pháp đưa đơn vị này có sự bứt phá nhanh như vậy?.
Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Năm 2016, Thái Nguyên nằm ở top cuối bảng xếp hạng về chỉ số CCHC của các địa phương trong cả nước. Với quyết tâm cải thiện thứ bậc, năm 2017, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp trong chỉ đạo, điều hành, quyết liệt, toàn diện trên cả 3 mặt cải cách thể chế, bộ máy và thủ tục hành chính (TTHC) triển khai thực hiện một cách đồng bộ, nhằm tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong CCHC. Quyết tâm của lãnh đạo UBND tỉnh được các sở, ngành trong đó có Ban Dân tộc tỉnh biến thành hành động cụ thể. Lãnh đạo Ban đặt nhiệm vụ CCHC là nhiệm vụ trọng tâm của năm để tập trung lãnh đạo tạo sự chuyển biến trên tất cả các mặt công tác.
Được biết, trong 9 nội dung đánh giá chỉ số CCHC thì có 3 lĩnh vực Ban Dân tộc tỉnh đạt điểm tối đa gồm: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy và cải cách tài chính công. Các lĩnh vực còn lại đều đạt điểm tương đối cao như: Công tác chỉ đạo, điều hành; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Lê Thị Thanh Hà, Phó chánh Văn phòng, Thường trực tại Bộ phận “tiếp nhận và trả kết quả” của Ban Dân tộc thông tin: Từ sự chỉ đạo của lãnh đạo Ban, chúng tôi đã phối hợp với bộ phận chuyên môn tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh liên quan đến lĩnh vực dân tộc. Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch về triển khai công tác CCHC với 6 nội dung theo chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Qua đó, nhiều nội dung, tiêu chí được cải thiện và đạt điểm tối đa như: Cải cách thể chế, Ban đã thường xuyên thực hiện việc tự kiểm tra các văn bản hành chính do Ban phát hành để đảm bảo thể thức theo quy định và nội dung phù hợp; thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực công tác dân tộc. Đặc biệt trong nhiều năm gần đây, Ban đã làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, để đáp ứng yêu cầu công tác, đảm bảo chất lượng cán bộ, Ban rất quan tâm đến việc ban hành quy chế làm việc, quy chế thực hiện dân chủ; quy định về chức năng nhiệm vụ các phòng thuộc Ban; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác theo chức năng nhiệm vụ; thực hiện tốt công tác tiếp công dân và công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý. Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, đã xây dựng Đề án vị trí việc làm, tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức, thực hiện quy trình bổ nhiệm đúng quy định; làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức; thực hiện tốt việc tinh giản biên chế.
Về hiện đại hóa hành chính, Ban đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp hạ tầng thiết bị, tăng cường sử dụng hiệu quả các phần mềm trong hoạt động công vụ; việc đảm bảo an ninh mạng được đặc biệt quan tâm. Ban đã thực hiện nâng cấp dịch vụ công từ mức độ 2 lên mức độ 3 của 2/2 TTHC (đạt 100%); tiếp tục duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 đã công bố. Đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong năm 2018.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong công tác CCHC, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung Ban Dân tộc vẫn chưa cải thiện được vị trí xếp hạng như: Về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; hiện đại hóa hành chính. Nguyên nhân là do số lượng cán bộ công chức của Ban ít, địa bàn phụ trách chủ yếu là ở vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn việc đi lại gặp nhiều khó khăn và cán bộ Ban thường xuyên phải đi công tác nên việc triển khai một số hoạt động chưa được kịp thời.
Để khắc phục những tồn tại và phát huy những kết quả đạt được trong năm 2017, ngay từ đầu năm 2018, Ban Dân tộc tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của kế hoạch hoạt động; chủ động rà soát, kiểm soát TTHC, CCHC của tỉnh, các kế hoạch của Ban về CCHC; cập nhật những TTHC có liên quan đến công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đề nghị công bố kịp thời theo quy định. Đồng thời, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Ban như: triệt để khai thác, nâng cao tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử và văn bản có chữ ký số, sử dụng hộp thư điện tử; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả cơ chế tự chủ; phấn đấu để tiếp tục đạt thứ hạng cao trong bảng đánh giá, xếp hạng chỉ số CCHC của tỉnh năm 2018.