Tạo môi trường giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp
Đoàn viên Trần Văn Hợp, ở xóm Kim Lan, xã Yên Lạc (Phú Lương) giới thiệu về hệ thống tưới nước tự động cho cây chè được Tỉnh đoàn hỗ trợ. |
Với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường, điều kiện giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có điều kiện học tập nâng cao trình độ, phát triển sản xuất. Từ đó nhiều đoàn viên, thanh niên đã từng bước vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.
Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp gặp lại anh Nguyễn Văn Thạo, Bí thư Đoàn xã Ôn Lương (Phú Lương). Anh là một trong những thanh niên nông thôn tiêu biểu từng được nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2012 vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ và tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới. Sau nhiều năm gặp lại, câu chuyện đầu tiên anh Thạo vẫn không quên nói với chúng tôi là nhờ có sự tiếp sức, đồng hành của tổ chức Đoàn nên anh mới có được thành công như ngày hôm nay.
Trước đây, anh Thạo từng làm thuê cho một cơ sở sửa chữa xe máy ở thị trấn Đu (Phú Lương). Sau đó, anh nhận thấy nhiều người dân ở các xã mỗi lần bị hỏng xe hay máy nông nghiệp đều phải mang ra thị trấn Đu để sửa chữa, tốn nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, anh luôn mong muốn gây dựng một xưởng sửa chữa nông cụ, máy nông nghiệp, xe máy ngay tại xã Ôn Lương. Nhưng ngặt một nỗi, vấn đề thiếu vốn là một rào cản khiến anh chưa thể thực hiện được mong muốn đó. Năm 2011, trong quá trình sinh hoạt Đoàn tại địa phương, anh được tiếp cận và biết đến nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm (vốn Chương trình 120) thông qua kênh của Trung ương Đoàn. Anh đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn quỹ này để thực hiện mong muốn của mình. Cửa hàng kinh doanh dịch vụ, sửa chữa nông cụ, máy nông nghiệp, xe máy do anh mở ra từng bước mang lại nhiều kết quả khả quan về mặt kinh tế, đáp ứng nhu cầu của bà con và góp phần giải quyết việc làm cho các ĐVTN địa phương. Với cương vị là một Bí thư Đoàn xã, hơn ai hết, anh hiểu được vai trò tiên phong của một thủ lĩnh thanh niên. Năm 2014, anh cùng lực lượng ĐVTN họp bàn và quyết tâm vực dậy Hợp tác xã Mây tre đan Tân Thành hoạt động trở lại. Đến nay, Hợp tác xã được đổi tên thành Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Thanh niên Ôn Lương có tổng số vốn điều lệ đạt gần 1 tỷ đồng, được duy trì ổn định và tạo làm thường xuyên cho 8 ĐVTN trong xã, thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Cũng được tổ chức Đoàn tiếp sức, đầu tháng 7-2018, đoàn viên Trần Văn Hợp, ở xóm Kim Lan, xã Yên Lạc (Phú Lương) phấn khởi khi diện tích chè của gia đình được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. Đây là một trong những công trình do Tỉnh đoàn thực hiện nhằm phát huy vai trò của trí thức trẻ trong việc tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hợp chia sẻ: “Khi chưa có mô hình này, việc trồng chè phải sử dụng máy bơm nước chạy bằng xăng dầu chi phí cao lại tốn nhiều công sức. Giờ, việc tưới tiêu cho chè nhàn hơn hẳn, chỉ cần hai thao tác mở và đóng cầu dao điện. Trung bình ngày 3-5 lần, mỗi lần 30 phút, cả vườn chè được đảm bảo độ ẩm để phát triển. Hệ thống tưới này cũng sẽ giúp người trồng chè thuận lợi hơn trong sản xuất vụ Đông, vốn là hạn chế của nhiều nơi. Tuy vụ đông chè có năng suất thấp, nhưng chất lượng tốt và cho giá trị kinh tế cao”. Được biết, trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ triển khai rộng rãi mô hình này đến các địa phương.
Nguyễn Văn Thạo và Trần Văn Hợp chỉ là hai trong nhiều ĐVTN nhận được sự tiếp sức của tổ chức Đoàn trong thời gian qua. Sự hỗ trợ, đồng hành dưới hình thức nào cũng đã góp phần tạo môi trường, động lực giúp ĐVTN vươn lên lập thân, lập nghiệp. Qua đó khẳng định vai trò tích cực của tổ chức Đoàn trong hỗ trợ thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Để làm tốt công tác này, các cấp bộ Đoàn đã xác định công tác phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho ĐVTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ ĐVTN trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Tỉnh đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu về học tập, nghề nghiệp và việc làm của thanh niên. Từ nhu cầu thực tiễn, Đoàn các cấp phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các kỹ thuật chăm sóc giống, cây trồng, vật nuôi, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tổ chức tham quan những mô hình kinh tế hiệu quả... giúp ĐVTN nâng cao kiến thức, hiểu biết trong sản xuất, phát triển kinh tế. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho ĐVTN được triển khai thường xuyên và đạt được những kết quả tích cực.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu nùm nay, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức 25 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho trên 2.600 thanh niên nông thôn; tổ chức hàng trăm hoạt động tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm, thu hút trên 15.000 người tham gia; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương, qua đó kết nối giới thiệu việc làm cho trên 600 ĐVTN...
Anh Ngô Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn phát huy tốt hơn nữa vai trò đồng hành với thanh niên trên mọi lĩnh vực; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy tinh thần xung kích của ĐVTN trong phát triển kinh tế; tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể liên quan để hỗ trợ ĐVTN phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Từ đó, các bạn trẻ sẽ có điều kiện thuận lợi tích cực tham gia những phong trào chung ở địa phương, tránh xa các tệ nạn xã hội.