Tháng Năm về Khau Tý

Cập nhật: Chủ nhật 10/05/2020 - 10:45
 Ông Ma Đình Soạn (bên phải) Bí thư Đảng ủy xã Điềm Mặc cùng du khách thăm mái lán Bác Hồ ở đồi Khau Tý.
Ông Ma Đình Soạn (bên phải) Bí thư Đảng ủy xã Điềm Mặc cùng du khách thăm mái lán Bác Hồ ở đồi Khau Tý.

“Qua Đu, tới Đuổm, lên Trào/Rẽ qua phố Ngữ thì vào Chợ Chu”. Tôi không đi hết theo lộ trình trong câu ca dao mà rẽ sang Điềm Mặc, xã có nhiều di sản nhất huyện Định Hoá - với 24 di tích lịch sử kháng chiến đã được Nhà nước cấp Bằng, dựng bia, lập hồ sơ công nhận. Đặc biệt là di tích đồi Khau Tý, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ lựa chọn để ở, làm việc trong những năm đất nước kháng chiến trường kỳ.

Vừa gặp lại, Bí thư Đảng ủy xã, ông Ma Đình Soạn phấn chấn: Các thế hệ người Điềm Mặc luôn tự hào về điều đó. Nói rồi ông mau mắn đưa chúng tôi đi giữa một khung cảnh bình yên vốn có của núi rừng Định Hóa. Từ bao đời nay, người Bản Quyên lựa thế đồi núi mà dựng làng sinh kế, nên hầu hết các nếp nhà sàn đều dựa lưng vào núi, hướng về đồi Khau Tý. Đi trên trục đường bê tông như cánh tay lực điền vươn dài từ trung tâm xã vào chân đồi ghi dấu ấn lịch sử, ông Ma Văn Thọ, Trưởng xóm nhớ lại: Cũng từ “Cảnh đẹp nơi đây khó hững hờ” nên tỉnh đã đầu tư xây dựng xóm Bản Quyên trở thành một điểm du lịch cộng đồng gắn với các di tích lịch sử trên địa bàn.

Để thành hiện thực, tỉnh lựa chọn, hỗ trợ tôn tạo, sửa chữa nhà sàn cho những hộ dân có nguyện vọng làm du lịch; đồng thời tổ chức cho một số chủ hộ tham gia các lớp tập huấn về làm du lịch cộng đồng, như kỹ năng giao tiếp với du khách; giới thiệu những nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc Tày thông qua biểu diễn văn nghệ và ẩm thực; tổ chức cho bà con đến Mai Châu (Hòa Bình) tham quan, học tập mô hình du lịch bản Lác. Ông Ma Duy Vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã mộc mạc: Vốn liếng làm du lịch của người Bản Quyên là cảnh quan đẹp, môi trường không khí trong lành; có nhiều di sản quốc gia và sự chân thật, hiếu khách.

Tôi nói vui: Cái chất mộc mạc, dễ gần của ông và bà con Bản Quyên cũng là một tài sản quý cho ngành du lịch cộng đồng phát triển, bởi ai đến đây cũng có chung cảm nhận như mình vừa chạm thấy một nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Tày Việt Bắc. Nhiều du khách trong nước, quốc tế về thăm di tích đồi Khau Tý đã nán lại để trải nghiệm cuộc sống cùng người dân. Họ thích thú khi được đi dưới tán rừng cọ, rừng vầu; xem cọn nước tự hành dẫn thủy nhập điền; cùng vào bếp chế biến các món khau nhục, thịt nhồi măng đắng, nộm bi chuối, canh gà gừng… Lúc màn đêm buông xuống, du khách cùng người dân hát then, chơi đàn tính và… “lăn” ra sàn nhà ngủ. - Bản Quyên, Điềm Mặc Homestay very good - du khách người nước ngoài nhận xét như vậy.

Bà Ma Thị Lan, xóm Bản Quyên hướng dẫn con gái hát then, chơi đàn tính.

Bên bên trục đường bê tông vào Di tích đồi Khau Tý đầy hoa bông bụt nở, chợt bắt gặp câu hát “Thái Nguyên quê noọng” cất lên từ ngôi nhà sàn của bà Ma Thị Lan. Bà Lan là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát then, đàn tính phục vụ cho các đoàn khách khi có nhu cầu thưởng thức. Lời bài hát rổn rảng như rừng reo, suối nói. Từng câu hát tựa cung bậc cầu thang đưa người nghe về mường Then có tiếng tính tẩu ngàn đời ngân nga. Lời then, tiếng tính có gì đó háo hức, thôi thúc giục lòng tôi khi bước dưới tán rừng, lặng nhìn những “dấu xưa, lối cũ, rêu phong phủ dày”, nhẩn nha đếm qua 79 bậc đá, chợt thở phào nhẹ nhõm, reo lên khi ngay trước mặt một mái lán đơn sơ trên đỉnh đồi Khau Tý, lòng liên tưởng: “Như còn đâu đây bóng hình của Bác”.

Năm tháng trôi mau, nhiều chứng nhân lịch sử ở miền đất cách mạng lặng lẽ theo nhau về với “thế giới người hiền”. Nhưng còn đó bao con người từng dành tuổi thanh xuân ở núi rừng Việt Bắc tôi gặp từ cách nay ít năm, là cụ: Trần Trọng Trung, nguyên cán bộ Tổng Tham mưu; Đại tá Trần Ngọc Duyện, nguyên Phó Tư lệnh Thông tin Liên lạc; Cụ Nguyễn Thị Bích Thuận, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ… tìm về với trám bùi, vầng bông bụt ngời xanh bên mái lán Khau Tý. Cùng đi còn có bà Hạ Chí Nhân và bà Nguyễn Thị Minh Thu. Bà Nhân tự hào lấy cho chúng tôi xem từng bức ảnh bà được chụp với Bác Hồ ngày thơ bé. Bà kể: Tôi sinh ra ở đất này, được lớn lên cùng những câu chuyện thời kháng chiến. Tôi vinh dự được Bác Hồ đặt tên khai sinh, được Bác bế ẵm như nhiều bé con em cán bộ tham gia kháng chiến ở ATK lúc bấy giờ… Bà nhẹ nhàng lật mở từng tấm ảnh, như một cuốn nhật ký chép lại bằng hình về cuộc đời bà và con em cán bộ, bộ đội ngày đất nước kháng chiến.

Bà Thu cũng có niềm vinh dự ấy. Bà thân thiện lấy cho tôi xem tấm hình bà được Bác Hồ bế, cho ăn xôi. Bà nói nhẹ nhàng: Năm đó bà mới 2 tuổi… Tôi phấn chấn nhìn những em bé trong ảnh - những thiên thần sinh ra vào giai đoạn đất nước kháng chiến như bé Nhân, bé Thu nay đều đã có cháu gọi bằng bà… Giữa rì rào cây lá ở lưng đồi Khau Tý, ông Nguyễn Huy Văn (Kim Sơn) ôn tồn kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm riêng mình: Tôi có mặt ở ATK Định Hóa từ trước ngày nước nhà giành độc lập. Nhưng suốt một đời bôn ba, thứ quý giá nhất của đời tôi là bài báo Bác Hồ viết về gia đình mình. Bài báo có tựa đề “Cả nhà kháng chiến” đăng trên Báo Nhân dân, số 34 ngày 21 tháng 11 năm 1951. Bác lấy bút danh C.B. Bài báo gồm 210 chữ, 17 dòng. Tôi đọc thuộc từng từ… Ông mở cặp lấy một bản phô tô bài báo tặng cho tôi , rồi tiếp tục câu chuyện về những năm tháng ông gắn bó với thủ đô gió ngàn Định Hóa.

Đường vào di tích đồi Khau Tý được Nhà nước đầu tư nâng cấp.

Bao thế hệ người Việt Nam đã về đây, lặng mình kính nhớ nhân kỷ niệm ngày sinh nhật Người (19-5-1890), và ngày đầu tiên Người về Định Hóa đêm 19, rạng ngày 20-5-1947… Một Khau Tý bình yên, chỉ có tiếng gió ngàn lặng lẽ như lược trời chải vào tán lá rừng, gợi cho tôi liên tưởng tới bóng Người năm xưa ngồi câu cá bên dòng nước Nạ Tra, để bật tứ cho bài thơ “Cảnh khuya”. Và những đêm không ngủ trong mái lán Khau Tý, Người đã viết “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp”; “Sửa đổi lối làm việc” - tác phẩm quan trọng về xây dựng Đảng, tài liệu học tập, tu dưỡng tư tưởng đạo đức và tác phong làm việc của cán bộ. Cũng tại mái lán Khau Tý, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh lấy ngày 27-7 là Ngày Thương binh, liệt sĩ.

Trong kháng chiến, người Điềm Mặc tham gia giúp đỡ cánh mạng, bảo vệ cách mạng. Ngày đất nước giành lại hòa bình, người Điềm Mặc cùng chung vai góp sức xây dựng quê hương. Dù kinh tế chưa hết khó khăn, nhưng người dân  Điềm Mặc lòng ắp đầy niềm tự hào vì được sinh ra, trưởng thành trên quê hương được Bác Hồ, Trung ương Đảng lựa chọn làm điểm dừng chân đầu tiên khi về thủ đô gió ngàn Định Hóa lãnh đạo kháng chiến. Vinh dự, thiêng liêng lắm, nên mỗi lần trở lại vùng đất mang nhiều di sản cách mạng, lời cụ Ma Đình Đạt, thôn Bản Quyên lại văng vẳng vọng về từ ký ức. Cụ nói: Đây là vùng đất mang trên nó một quá khứ vinh quang. Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp đã tin dân, về ở để lãnh đạo kháng chiến… Cụ Đạt qua đời năm 2001. Trước khi trút hơi thở cuối, thanh thản rũ bỏ mọi vương vấn hồng trần, cụ tự nguyện hiến 663m2 đất ở đồi Khau Tý cho Nhà nước xây dựng di tích. Theo gương cụ, các hộ dân trong vùng có đất liên quan đều tự nguyện hiến tặng đất cho Nhà nước xây dựng, tôn tạo di tích.

Bên mái lán Khau Tý, nữ hướng dẫn viên Ban Quản Lý Di tích đặc biệt ATK Định Hóa thủ thỉ câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về một con người huyền thoại, nhưng rất đỗi giản dị như bao cuộc đời thường.

Phạm Ngọc Chuẩn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: