Thành phố tuổi thơ tôi
Khu vực trung tâm TP. Thái Nguyên hôm nay. Ảnh: N.H |
Lâu lắm nhóm bạn học từ lớp vỡ lòng đến hết phổ thông chúng tôi mới có dịp hội ngộ. Sinh sống khắp trong Nam ngoài Bắc, không hẳn ít gặp nhau, nhưng gặp đông đủ như thế này lại hiếm. Chụp xong những bức hình kỷ niệm tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, mấy đứa bạn không quên dặn người chụp ảnh khi in ghi thêm dòng chữ bên dưới “Thái Nguyên ngày trở về”.
Tôi không có cảm giác được trở về, bởi sau mấy năm quân ngũ và tốt nghiệp đại học, tôi luôn gắn bó với TP. Thái Nguyên. Nhưng, đong đầy cảm xúc cùng những người bạn, tôi có những giây phút lắng lòng mình ngược nguồn ký ức.
Từ buổi nép bên mẹ đến trường ngày đầu tiên, ký ức tuổi thơ non nớt của tôi vẫn còn đọng lại những ấn tượng về một thành phố ngút ngàn xanh, nhấp nhô bóng núi và đẹp như trong truyện cổ tích. Lớn thêm một chút, tôi càng thấy TP. Thái Nguyên rất đẹp, một vẻ đẹp dịu dàng, thơ mộng bên dòng sông Cầu tre pheo la đà rủ bóng.
Bố tôi kể: Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, thị xã Thái Nguyên thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Năm 1959, bố tôi cùng hàng vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội và thanh niên nam nữ từ nhiều miền quê lên xây dựng Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên. Lúc đó, Thái Nguyên như một đại công trường từ Quan Triều sang Núi Voi, vào Trại Cau, xuống Lưu Xá. Vóc dáng các khu phố hiện lên từng ngày và chỉ vài năm sau thành phố đã được thành lập. Thái Nguyên là thủ phủ Khu tự trị Việt Bắc, có khu công nghiệp và nhiều trường đại học, nên thành phố được quy hoạch xây dựng khá quy mô. Từ khi Mỹ đem máy bay ném bom phá hoại miền Bắc, việc xây dựng bị dừng lại…
Một góc công viên - vườn hoa Sông Cầu ngày nào. (Ảnh: Tư liệu)
Ngày ấy, nhà cửa ở thành phố hầu hết chưa đánh số và cũng chưa có khái niệm “phường”. Mặc dù chính quyền đặt tên các khu phố, tiểu khu nhưng mọi người vẫn hay gọi dân dã để dễ nhớ, lâu dần thành quen, như đường Vỡ, đường Quy Bơ, đường Ga, đường Xăng Dầu, phố Cột Cờ, Bến Than, Cờ Hồng… Ngoài trụ sở các cơ quan, bệnh viện, trường học… được xây dựng khang trang, Thái Nguyên còn có nhiều tòa nhà như Bảo tàng Việt Bắc, Rạp chiếu bóng Nhân dân, Khách sạn Thái Nguyên với kiểu dáng kiến trúc hiện đại. Nhà ở của dân phần lớn vẫn là tranh tre, mái lá, hoặc lợp giấy dầu, chỉ có các khu tập thể mới xây gạch, lợp ngói.
Tôi ấn tượng nhất là con đường từ Bảo tàng Việt Bắc tới chợ Bến Tượng với một bên là Vườn hoa Sông Cầu, một bên là dãy phố với các cửa hàng, cửa hiệu san sát. Con đường nằm lọt thỏm dưới hai hàng cây cổ thụ, trong đó có những cây nhãn, mùa quả chín, nhãn lúc lỉu, tiếng chim chuyền cành ríu rít. Bọn tôi tha hồ trèo hái vì nhiều người bán hàng đều biết là con cái nhà ai. Nghe nói dãy phố này trước kia chủ yếu của các nhà buôn, được xây cất bề thế đối diện vườn hoa Dây Thép. Tên vườn hoa người Pháp đặt nghe đâu là Kép Le, nhưng dân ta thường gọi theo tên tòa nhà truyền tin bằng dây thép rất tiện dụng thời đó (tức Bưu điện).
Vườn hoa Sông Cầu có rất nhiều cây cổ thụ. Lối ra cầu treo Gốc Đa bên cạnh có một số cơ quan và nhà dân. Cửa hàng giải khát trong vườn hoa khá xinh xắn bán nước chanh, kem que, kem cốc… Thìa ăn kem cốc chiếc nào cũng đục thủng ở giữa, tôi có lần chảy máu môi vì sơ ý. Mùa hè năm tôi học cấp II, thành phố tổ chức cho học sinh các trường cắm trại trong vườn hoa. Trại chúng tôi đạt giải đẹp nhất vì chị phụ trách Đội có người yêu là họa sĩ, chúng tôi chỉ việc ngồi gõ trống, cài hoa, còn các anh chị làm hết…
Ở vườn hoa Sông Cầu có cây hoa gạo rất cao lớn gần Bảo tàng Việt Bắc, tháng ba hoa gạo bung nở đỏ rực cả góc trời, lũ con trai tụi tôi nhặt hoa cho bọn con gái xúm lại chơi trò gì đó. Bờ sông Cầu là bến neo gỗ, nứa nối nhau san sát. Lũ trẻ con cả trai lẫn gái bọn tôi thi thoảng leo lên bè rồi nhảy xuống sông tắm, hoặc tập bơi. Phía sau đường từ Bảo tàng ra chợ là con đường khác nhỏ hơn, nay đã nhập vào đường Đội Cấn. Chúng tôi thường rủ nhau tới đánh đáo với nhóm Gia Sàng vào các chiều chủ nhật, hoặc cùng bọn con gái chơi trồng nụ, trồng hoa, ô ăn quan, đánh chuyền, đánh chắt… tại vuông đất bên cạnh rạp Quyết Tiến, một rạp hát đồ sộ, mái lợp giấy dầu. Tôi cũng được bố mẹ dẫn đi xem ca kịch cải lương, hát chèo mấy bận trong đó.
Chợ Bến Tượng (nay là chợ Thái), tôi hay vào chơi nhưng chẳng mua gì. Cửa chợ có ông thợ khoét sáo, làm điếu cày, khắc chữ vào bút máy. Cạnh mấy đụn rễ cây xà cừ gồ lên như sống trâu có bác dựng chiếc xe đạp bán báo. Đối diện với chợ là Hiệu sách Nhân dân có cô bán sách rất vui tính. Tôi nhớ mình chỉ vài lần mua nhãn vở, bút chì, hoặc cục tẩy cũng đọc ké hết cuốn truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài.
Con đường từ ngã tư Bảo tàng chạy qua Trường cấp III Lương Ngọc Quyến cũng là một trong những nơi vô cùng thân thiết với tôi. Ngày đó rạp hát ngoài trời là địa điểm ưa thích của người dân thành phố. Tôi cũng đôi lần được lên sân khấu ấy trong đội văn nghệ nhà trường. Bác tôi là nhà giáo từ thời Pháp, nhà ở đầu cầu Gia Bẩy và đã chuyển về Hà Nội ở với con cái. Sau ngày máy bay Mỹ ném bom đánh sập cầu Gia Bẩy tháng 10-1965 bác lên Thái Nguyên. Trò chuyện với bố tôi, bác không giấu nổi xúc động: “Thái Nguyên có địa thế đẹp, phong thủy tốt. Các cụ xưa từng chọn Thái Nguyện đặt trấn lị Phú Lương, huyện lị Động Hỷ (nay là Đồng Hỷ). Năm 1831, trấn Thái Nguyên được nhà vua cho danh xưng hành chính cấp tỉnh, tỉnh lị được dời từ Thiên Phúc về Đồng Mỗ. Từ lâu, Thái Nguyên đã sầm uất, chỉ thua kém kinh thành Thăng Long. Người Pháp quy hoạch thị xã với không gian mở, ý định làm nơi giao thương cho cả vùng Việt Bắc…".
Kỷ niệm tuổi thơ của tôi trải dài, bởi thành phố nhỏ xinh như bàn tay con gái, phố nào tôi cũng có bạn. Những mảnh ruộng trồng lúa và rau màu như manh áo làng quê khoác lên vai phố. Hình ảnh bác nông dân vác cày giong trâu thủng thẳng đi giữa phố không hiếm gặp. Mùa sương núi, đứng trên đồi thông (nay có Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ) nhìn xuống, thành phố như bức tranh thủy mặc bập bềnh trôi đầy huyền cảm. Những năm gần đây, Thái Nguyên đã mang tầm vóc của một đô thị văn minh, hiện đại. Tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch phát triển tạo cho thành phố một không gian bứt phá. Hình hài thành phố thời ấu thơ còn lại trong chúng tôi dễ nhận thấy nhất là cây cầu Gia Bẩy, Khách sạn Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Bảo tàng Việt Bắc cũ)…
Đêm cùng nhóm bạn tuổi thơ không ngủ ngắm thành phố lộng lẫy dưới bầu trời đầy sao, nghĩ về kỷ niệm, tôi thấy lòng mình như dòng sông ngập nắng.