Thay đổi Chỉ số cải cách hành chính: Mừng lắm nhưng cũng lo nhiều
Phòng làm việc nhỏ hẹp, trang thiết bị thiếu nên Chi nhánh Văn phòng cấp quyền sử dụng huyện Đồng Hỷ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. |
Đã có năm, Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh vươn lên thứ bậc 22/63 tỉnh, thành phố. Nhưng bất ngờ năm 2016, Chỉ số này của tỉnh tụt xuống vị trí thứ 54/63 tỉnh, thành phố khiến cán bộ, công chức của các cơ quan liên quan trong tỉnh rất “sốc”. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, CCHC thể hiện rõ nét mối quan hệ giữa cơ quan hành chính Nhà nước với các tổ chức, cá nhân nên khi Chỉ số này ở cuối bảng xếp loại là điều đáng báo động, phải lưu tâm. Do vậy, Chỉ số CCHC năm 2017 của tỉnh Thái Nguyên tăng được 24 bậc, vươn lên vị trí 30/63 tỉnh, thành phố là điều rất mừng nhưng cũng lo chuyện giữ và thăng hạng trong năm 2018…
Lên – xuống thất thường
Chỉ số CCHC được hình thành trên cơ sở đánh giá của cơ quan chuyên môn Trung ương (Bộ Nội vụ) và đánh giá của người dân đối với nền hành chính của các bộ, ngành, địa phương cấp tỉnh. Chỉ số này được xác định trên 8 lĩnh vực, gồm: Công tác chỉ đạo điều hành CCHC; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập; Hiện đại hóa nền hành chính; Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác CCHC đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên ngay trong năm 2012 (năm đầu tiên Bộ Nội vụ xếp hạng Chỉ số CCHC), tỉnh Thái Nguyên đã rất quan tâm và thực hiện tất cả các tiêu chí theo quy định. Kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm đầu tiên, Thái Nguyên đã bứt phá ở vị trí 26/63 tỉnh, thành phố, với tổng điểm 79,03. Năm 2013, Thái Nguyên tụt 12 bậc, xếp vị trí 38 với 77,01 điểm. Tiếp đó, năm 2014, Thái Nguyên được 80,05 điểm, xếp thứ 42 nhưng năm 2015, Thái Nguyên bứt phá lên vị trí 22 với tổng 86,71 điểm. Có lẽ thành công trong công tác CCHC của năm 2015 nên đã khiến một số ngành, địa phương của tỉnh có sự chủ quan và việc áp sát bộ tiêu chí để yêu cầu các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện thiếu sự quyết liệt nên Chỉ số CCHC năm 2016 của tỉnh Thái Nguyên chỉ có 69.03/100 điểm và bất ngờ tụt xuống vị trí thứ 54/63 tỉnh, thành phố (giảm tới 32 bậc so với năm 2015).
Nhìn thẳng vào sự thật để thay đổi
Khi kiểm điểm lại 5 năm thực hiện Chỉ số CCHC mới thấy giữa các lĩnh vực, nội dung trong công tác CCHC của tỉnh có sự chênh lệch rất xa, các tiêu chí thành phần tăng, giảm qua mỗi năm không đồng đều, tính bền vững không cao. Điều này cho thấy, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Bên cạnh một số lĩnh vực được Bộ Nội vụ, người dân đánh giá cao và có mức điểm khá, như: Cải cách thủ tục hành chính (TTHC); Cải cách tài chính công… vẫn còn khá nhiều lĩnh vực có tiêu chí bị trừ điểm, điểm thấp như: công tác chỉ đạo điều hành, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, hiện đại hóa hành chính. Do vậy, trong quá trình giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước, người dân vẫn phải trải qua nhiều bước, đến nhiều đơn vị để giải quyết một thủ tục hành chính nên mất nhiều thời gian, công sức đi lại. Đặc biệt, khi Bộ Nội vụ công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2016 của tỉnh Thái Nguyên chỉ xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố, sau sự băn khoăn, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn và trách nhiệm đã họp bàn, xây dựng kế hoạch với các giải pháp cụ thể về nâng cao Chỉ số CCHC. Đồng thời, Ban Chỉ đạo của tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ này.
Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận: Chỉ số CCHC năm 2016 so với Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh có khoảng cách rất lớn. Do vậy, cả hệ thống cần phải kiểm điểm, nhìn nhận lại công tác này đối với từng đơn vị, lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh, nhất là bộ phận thực hiện công tác CCHC của các đơn vị, địa phương còn chậm đổi mới, hiệu quả công việc chưa cao. CCHC tại tuyến xã, phường đang dậm chân tại chỗ, có nơi còn thụt lùi. Một số ngành, đơn vị thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp; niêm yết chưa đầy đủ, kịp thời. Chất lượng giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh còn thấp, số hồ sơ giải quyết TTHC quá hạn ngày càng gia tăng; các dịch vụ công chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, mức độ hài lòng của người dân còn thấp.
Trên cơ sở chỉ ra những tồn tại trong công tác CCHC, Ban Chỉ đạo của tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong tỉnh nhưng trách nhiệm chính thuộc Sở Nội vụ - Cơ quan Thường trực về công tác CCHC và các sở, ngành, UBND cấp huyện.
Không thể chủ quan
Với những giải pháp tích cực nên công tác CCHC năm 2017 của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, góp phần làm thay đổi tích cực mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, từng bước xây dựng nền hành chính phục vụ, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước. Cụ thể, Chỉ số CCHC của tỉnh năm 2017 đã tăng 24 bậc, đưa Thái Nguyên lên vị trí thứ 30/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, thực tế công tác CCHC của 19 sở, ngành và 9 huyện, thành, thị trong tỉnh vẫn còn nhiều khoảng trống, điểm yếu cần khắc phục. Đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã, công tác CCHC chưa đáp ứng yêu cầu do đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất đều thiếu, yếu. Hiện mới có 7/19 sở, ngành trong tỉnh áp dụng phần mềm vào quản lý, thực hiện công tác CCHC; trung tâm hành chính công cấp tỉnh chưa được xây dựng và đi vào hoạt động nên vẫn còn tình trạng tổ chức, cá nhân muốn giải quyết thủ tục tục hành chính phải đi đến nhiều cơ quan; việc kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật và khắc phục các vi phạm chưa được xử lý triệt để.
Riêng với tuyến huyện, tuyến xã dù đã có cố gắng trong công tác CCHC nhưng một số thủ tục hành chính chưa được tập trung giải quyết tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính. Yếu kém nữa là hiện trên 120 xã trong tỉnh thuộc diện khó khăn, miền núi thiếu trang thiết bị như máy tính, bàn làm việc, đường truyền tốc độ cao phục vụ công tác CCHC. Việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, sáng kiến, công trình phục vụ công tác CCHC ở các sở, ngành, địa phương trong tỉnh chưa được nhiều cán bộ, công chức quan tâm, triển khai thực hiện. Nguồn lực tài chính bổ sung để phục vụ cho công tác CCHC rất hạn chế (việc mỗi năm đầu tư trên 30 tỷ đồng cho công tác CCHC vẫn khó bố trí được nguồn) khiến các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã chưa mạnh dạn đầu tư cho công tác CCHC…
Đây là những thách thức lớn đối với công tác CCHC của tỉnh cần vượt qua trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Khi những “chướng ngại vật” trong công tác CCHC được dẹp bỏ thì Chỉ số CCHC của tỉnh mới vươn lên thứ hạng cao. Ý nghĩa lớn lao hơn là mối quan hệ giữa cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh với các tổ chức, cá nhân mới thực sự lành mạnh, trong sáng, hiệu quả và đúng luật.