Thay đổi nếp nghĩ từ một dự án
Vườn chè trong mô hình Tổ hợp tác chè Tân Lợi của gia đình bà Lâm Thị Năm, xóm Đồng Lâm. |
Phát triển cây chè, chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả; biết xác định vấn đề, lập kế hoạch, giám sát và bảo vệ các công trình công cộng; chú trọng hơn việc bảo vệ môi trường, sức khỏe bản thân... đó là những đổi thay căn bản của người dân xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) khi thực hiện Dự án của Tổ chức phi chính phủ Intoka.
Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của người dân và các dự án tự quản nhằm cải thiện điều kiện sống” tại xã Tân Lợi do tổ chức Intoka (Cộng hòa Liên bang Đức) tài trợ, Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em (DWC) là cơ quan thực hiện. Dự án được triển khai trong 3 năm, từ 6/2018-6/2021 trên địa bàn 3 xóm khó khăn của xã Tân Lợi là: Đồng Lâm, Cầu Lưu, Bờ Tấc (nay là Trại Đèo).
Tân Lợi là một trong những xã khó khăn của huyện Đồng Hỷ, 70% số dân là người dân tộc thiểu số. Lâu nay, người dân thiếu kiến thức, kỹ năng về quản lý cộng đồng, phát triển kinh tế và về chính sách, pháp luật liên quan đến đời sống của mình.
Trên cơ sở thế mạnh của xã, lựa chọn của người dân, Dự án đã tập trung hỗ trợ phát triển trồng chè, trồng lúa, chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả. Người dân được tập huấn kiến thức, tham quan các mô hình trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản chè hiệu quả; thành lập Tổ hợp tác chè an toàn xã Tân Lợi gồm 19 thành viên, chia thành 3 nhóm ở 3 xóm; hỗ trợ thiết bị sản xuất, chế biến chè; hỗ trợ làm tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác…
Bà Lâm Thị Năm, Trưởng xóm Đồng Lâm đồng thời là thành viên Tổ hợp tác chè, chia sẻ: Bài học lớn nhất chúng tôi nhận được từ Dự án là tinh thần chủ động, tư duy về phát triển giá trị sản phẩm chè theo hướng an toàn, bền vững. Thay vì bón phân hóa học, phân tươi, phun thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu bừa bãi, giờ chúng tôi biết cách tận dụng phế phẩm, dùng men vi sinh để ủ phân hữu cơ; tự chế thuốc trừ sâu bằng tỏi, ớt, nắm được khoảng cách, liều lượng phun thuốc trừ sâu (nếu cần). Từ cách làm chè đơn giản, truyền thống, chỉ bán được tại chợ nay chúng tôi đã chú trọng đến chuyện sản xuất chè an toàn, tạo mẫu mã, thương hiệu. Nhờ đó, giá bán chè trung bình của các hộ dân trong Tổ hợp tác tăng từ 60.000 đồng/kg lên 150.000-200.000 đồng/kg.
Ngoài cải thiện sinh kế, Dự án còn hỗ trợ các xóm xây dựng những công trình công cộng bằng phương pháp thúc đẩy, quản lý cộng đồng và người dân đối ứng kinh phí 25% cho mỗi công trình.
Theo đó, dưới sự hướng dẫn của cán bộ Dự án, người dân được lựa chọn để làm những công trình đang bức thiết nhất; bầu ban giám sát, tự lên kế hoạch xây dựng, mua vật liệu; nghiệm thu công trình. Trong tất cả các cuộc họp bàn của xóm, các đối tượng yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, phụ nữ đều được khuyến khích nói lên nguyện vọng của mình.
Sau 3 năm triển khai đã có gần 4km đường bê tông được xây dựng, hơn 1km đường được mở rộng, giải cấp phối; 3 cầu tràn qua suối được xây mới; 17,5 ha diện tích canh tác được cung cấp đủ nước tưới nhờ có hệ thống máy bơm, giếng khoan; 2km đường điện thắp sáng làng quê; trên 2.000 người dân (53% nữ, hơn 40% hộ nghèo, cận nghèo) được hưởng lợi trực tiếp và hàng chục nghìn người hưởng lợi gián tiếp từ Dự án...
Ông Đinh Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi nhấn mạnh: Với phương pháp tiếp cận quản lý cộng đồng, lấy dân làm chủ, dự án đã thúc đẩy tinh thần vượt khó, khơi dậy khát vọng làm giàu trong nhân dân, gia tăng gắn kết cộng đồng, thay đổi diện mạo xã. Bởi thế, ngay khi Dự án kết thúc, chúng tôi đã vận động người dân duy trì phát triển thành quả, bài học; xây dựng kế hoạch nhân rộng, áp dụng vào những xóm khác.