Thiêng liêng hai tiếng Việt - Lào
Các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Việt-Lào được chăm sóc chu đáo. |
Tháng Bảy vừa qua, chúng tôi may mắn được tham gia Đoàn công tác của tỉnh đến thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào, huyện Anh Sơn (Nghệ An) và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Chuyến thăm viếng giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn tình nghĩa thủy chung giữa hai dân tộc Việt - Lào, tình cảm đó được vun đắp bằng cả xương máu của các Anh hùng liệt sĩ.
Nằm sát Quốc lộ 7, đường lên cửa khẩu Nậm Cắn (biên giới Việt - Lào), Nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào nằm yên bình giữa trung tâm thị trấn huyện Anh Sơn (Nghệ An). Với diện tích gần 7ha, Nghĩa trang Liệt sĩ Việt- Lào là nghĩa trang lớn nhất quy tập các mộ liệt sĩ của quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào. Đây cũng là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai dân tộc.
Chúng tôi được biết, Nghĩa trang này được xây dựng từ năm 1976 đến năm 1982. Nghĩa trang có 2 khu: Khu A gồm 9 lô mộ liệt sĩ, với tổng số 5.381 mộ; Khu B có 13 lô mộ liệt sĩ, với tổng số 5.219 mộ và một lô mộ tử sĩ có 11 mộ. Tính từ khi xây dựng cho đến nay, Nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt các liệt sĩ hy sinh trên chiến trường nước bạn Lào về an nghỉ và hàng nghìn phần mộ liệt sĩ vô danh.
Còn Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Đồng Tâm rộng 11.000m2, nằm gọn trong một thung lũng, được bao bọc giữa những núi rừng trùng điệp. Nơi đây hiện có 2.245 phần mộ liệt sĩ quê ở 32 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó có 16 phần mộ liệt sĩ của nước bạn Lào; 27 liệt sĩ là người con quê hương Thái Nguyên (được quy tập từ năm 1974).
Những năm gần đây, số lượng mộ quy tập về Nghĩa trang ngày càng nhiều thông qua chương trình phối hợp tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn nói riêng, hai nước Việt Nam - Lào nói chung. Nghĩa trang nằm giữa không gian trầm mặc của núi rừng, trong khuôn viên trồng nhiều loài hoa, hương thơm hòa quyện cùng khói hương phảng phất bay, tạo cảm giác linh thiêng.
Theo đại diện ban quản lý của 2 nghĩa trang trên, cứ đến ngày 27-7 hằng năm, chính quyền hai địa phương lại tổ chức thắp nến tri ân, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ. Đặc biệt, Nghĩa trang Liệt sĩ Việt- Lào, hằng năm, được tổ chức Lễ hội "Uống nước nhớ nguồn". Đây là một lễ hội đặc biệt, có ý nghĩa nhân văn cao cả, với tinh thần "Đền ơn đáp nghĩa", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", tưởng nhớ những người đã hy sinh để cho đất nước độc lập, nhân dân được sống trong hoà bình, hạnh phúc, ấm no, thu hút hàng vạn người từ cả nước và nước bạn Lào về dự.
Mặc dù là thế hệ 7X, không được chứng kiến cảnh khốc liệt của chiến tranh, nhưng đến nơi này, chúng tôi thấu hiểu sâu sắc sự hy sinh vĩ đại, công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, những người đã không tiếc máu xương, chiến đấu anh dũng, hy sinh vì nền độc lập, tự do của nước bạn Lào. Máu của các anh đã tô thắm tình hữu nghị, gắn bó keo sơn giữa hai đất nước, hai dân tộc.