Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi
Chị Nguyễn Thị Chinh, xóm Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ), tại khu vườn sinh thái của gia đình. |
Trong những năm qua, nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi thông qua kênh ủy thác của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có vốn để đầu tư mô hình kinh tế. Từ đó, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Để bảo đảm nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng là hội viên phụ nữ có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, hằng năm, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo hội phụ nữ cấp huyện, xã tập trung tuyên truyền, phổ biến về tín dụng chính sách xã hội, quy định của ngân hàng về cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách đến các tầng lớp phụ nữ; thực hiện quản lý nguồn vốn...
Nhằm triển khai nguồn vốn vay ủy thác đúng mục đích, có hiệu quả, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo hội phụ nữ các cấp thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, chính quyền địa phương và các ngành liên quan tổ chức triển khai các chương trình phát triển kinh tế; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; định hướng ngành nghề phù hợp. Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội phụ trách hoạt động ủy thác, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn những kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro; hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả…
Thông qua đó, nhiều phụ nữ đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Và từ nguồn vốn này, hàng nghìn hội viên đã có cơ hội phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình chị Nguyễn Thị Duyên, xóm Ba Phiêng, xã Dân Tiến (Võ Nhai) là một ví dụ. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, sau khi được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện đưa đi tham quan mô hình chăn nuôi bò 3B, năm 2020, chị Duyên mạnh dạn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 10 con bò 3B và xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Chị tận dụng diện tích đất sẵn có của gia đình để trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Chị Duyên chia sẻ: Đầu năm nay, tôi đã xuất chuồng lứa bò đầu tiên, thu lãi khoảng 25 triệu đồng/con. Đến nay gia đình tôi cũng đã thoát nghèo.
Còn chị Nguyễn Thị Chinh, xóm Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ) chọn cách khởi nghiệp với mô hình du lịch cộng đồng sau khi từ bỏ công việc công nhân để về quê hương. Chị Chinh cho biết: Tôi được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ làm thủ tục vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và gom chung với số tiền vay từ bạn bè để cải tạo cảnh quan khu vườn sinh thái. Tôi đầu tư xây dựng nhà sàn gỗ có diện tích 100m2, khu nhà hàng rộng 80m2, ao cá rộng 1.000m2, còn 5.000m2 đất để trồng các loại hoa để làm đẹp cảnh quan. Tháng 10/2021, vườn hoa sinh thái bắt đầu đi vào hoạt động. Vào những tháng cao điểm mùa Hè, ở đây đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Hiện, chúng tôi đang thuê 7 nhân viên với mức lương 5 triệu đồng/người, doanh thu của khu sinh thái đạt khoảng 100-150 triệu đồng/tháng.
Đó chỉ là 2 trong số hàng nghìn lượt hội viên phụ nữ tại Thái Nguyên đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế trong những năm qua. Tính đến tháng 6/2022, tổng các nguồn vốn do Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh quản lý là trên 3.164 tỷ đồng, cho 75.739 lượt hội viên vay. Riêng vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.125 tỷ đồng, cho hơn 24.000 hội viên vay.
Nhờ vậy, trong 5 năm qua (2016-2021), bằng các hình thức vốn vay ngân hàng, tổ tiết kiệm tại các chi hội đã giúp hơn 46.000 lượt hội viên phụ nữ nghèo vay vốn để phát triển kinh tế, góp phần giúp 2.376 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo.
Bên cạnh hoạt động ủy thác nguồn vốn chính sách, để giúp hội viên nâng cao kiến thức, Hội LHPN các cấp đã tổ chức nhiều lớp truyền thông, phổ biến quy định của pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã cho hội viên phụ nữ. Cùng với đó, trong 9 tháng năm 2022, các cấp Hội tổ chức các lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin kinh doanh trên phần mềm cho trên 500 học viên của các hợp tác xã, tổ hợp tác, cửa hàng kinh doanh; 110 cuộc truyền thông, 1 hội thảo nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết giúp chị em tự tin trong khởi nghiệp và kinh doanh, làm chủ được các công cụ số... Từ đó, thúc đẩy hoạt động quảng bá, truyền thông và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh...
Có thể thấy, việc hỗ trợ hội viên thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp chị em phụ nữ tự tin hơn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.