Vui Tết trông trăng
Nhiều địa phương, nhà trường tổ chức cho học sinh gặp gỡ, liên hoan văn nghệ, rước đèn vui Trung thu. |
Sau 2 dịp đón Tết trông trăng ở nhà vì đại dịch COVID-19, Tết Trung thu năm nay đã trở lại với một hào hứng mong đợi, chuyện xưa, chuyện nay rôm rả theo suốt đêm rằm. Ai cũng phấn chấn, vì… rằm này hơn hẳn những rằm xưa.
“Ngày xưa chúng cháu đón Tết Trung thu…” – một cậu bé 9 tuổi nói hồn nhiên khiến bao người lớn bật cười. Phải rồi, bao đời nay, câu chuyện “mẹ kể con nghe” thường bắt đầu bằng 2 từ “ngày xưa”. Dù ngộ nghĩnh, nhưng cậu bé ấy đã nói được sự thay đổi nhanh chóng của xã hội công nghiệp 4.0. Hay nói theo cách thời thượng là xã hội số. Mọi việc đều có thể thay đổi từng ngày, các trò hội, quà Tết Trung thu dành cho con trẻ cũng không nằm ngoài cuộc.
Ví như chiếc bánh Trung thu, trước đều do bố mẹ làm, chủ yếu bánh nướng và bánh dẻo truyền thống, trần trụi không bao bì nhưng đủ sức làm tụi trẻ tự hào nhà có bánh. Hệ 9X và những trẻ em thời cơ chế thị trường không còn mặn mà với bánh trái, bởi thích là có, không nhất thiết đến rằm mới được ăn. Thể hiện rõ nhất là những năm gần đây, bánh Trung thu sản xuất trên dây chuyền công nghệ, với nhiều chất liệu, hương vị và được bày bán ngoài thị trường trước rằm cả tháng.
Biết rằng “Mọi so sánh đều khập khiễng”. Nhưng người Việt trước một sự việc nào đó thường bắt đầu mở nhời bằng câu cửa miệng: “Ngày xưa tao…”. Thậm chí còn mong được như ngày xưa.
Ngày xưa các cụ dùng khuôn gỗ hình con cá, con cua, con thỏ… để làm bánh. Còn ngày nay khuôn bánh được thiết kế bằng hình ảnh 3D, không gian đa chiều, bánh được sản xuất hàng loạt, hoa văn tinh xảo, mẫu mã đa dạng, bao bì đẹp, song trẻ không háo hức mong ngóng, vì bụng trẻ không đói.
Nhưng chiếc bánh Trung Thu của thời cơ chế thị trường vẫn là thứ quà tặng quan trọng. Với người tâm ngay, ý thẳng thì chiếc bánh mang ý nghĩa thân thiện. Với người toan tính thì chiếc bánh trở thành cái cớ cầu lợi.
Trở lại với Tết trông trăng thời 4.0, khi xã hội không còn người đói ăn, rách mặc, các gia đình vẫn duy trì việc sắm bánh Trung thu, trước là để lễ gia tiên, sau con cháu thụ lộc. Cùng bánh trái là đồ chơi dành cho con trẻ. La liệt, đầy dẫy, với đủ các món đồ điện tử vui tai, thích mắt. Con cháu xin tiền bố mẹ, tự mua thứ mình thích. Vậy đêm rằm mới có nhiều trẻ em đi đón trăng bằng mặt nạ ma quỷ, hoặc kiếm, súng bật nhạc kêu eo éo.
Phải thôi, xã hội hiện đại, đồng quê hóa phố, nhà cao tầng thế chỗ bờ tre, ai cũng bận rộn với công việc, thời gian đâu để đi tìm tre, nứa về làm đèn ông sao, đèn kéo quân và tiếng trống bỏi đang từng ngày lạc về miền kỷ niệm.
Cả những chiếc đèn ông sao đi rước trên phố bây giờ cũng được làm bằng vật liệu kim loại, có trang trí đèn màu nhấp nháy, nhạc nổ xình xịch. Các phường, xã thi nhau làm đèn ông sao thật to, thể hiện việc “ăn nên, làm ra” của các nhà tài trợ. Đồng thời phù hợp với sự tiến triển chung của xã hội hiện đại.
Nhiều đồ chơi Trung Thu điện tử thu hút sự quan tâm của trẻ nhỏ.
Không riêng trẻ nhỏ, cả người cao tuổi cũng thích sự hiện đại, văn minh công nghiệp. Nhiều cụ già không ngần ngại, kể: Ngày xưa ông phải đi chặt tre, nứa chẻ nan làm đèn ông sao. Thời chưa có nến phải nhặt hạt bưởi, xâu lại, phơi khô làm đèn. Bánh Trung thu cả nhà mới mua được 1 chiếc, càng đông người phần bánh lại càng nhỏ. Quần túm, áo vá, cái gì cũng thiếu, làng nào cũng có đám trẻ rủ nhau đội đầu lân nhảy múa trước cửa từng nhà để được thưởng bánh, kẹo. Chia nhau ăn dè, bánh nướng để sau mấy ngày cứng như đá, nhưng quý lắm. Đấy là thời khó, khổ, miếng ăn cũng được xem trọng.
Vẫn chuyện ngày xưa, trẻ nhỏ các làng tụ tập nhau ở sân đình, hoặc trên bãi đất rộng chơi bịt mắt bắt dê, chơi trốn tìm, chơi “rồng rắn lên mây”, hát đồng dao. Còn bây giờ trẻ em hát “xò cô la cô lề”, phim “Trò chơi con mực”. Theo bố mẹ đến các khu vui chơi giải trí, ẩm thực; đến sân nhà văn hóa xóm, tổ dân phố xem múa lân; diễn tích truyện Tây Du Kí… Cơ chế thị trường, lân cũng múa dịch vụ, lân nhảy theo nhạc từ loa công suất lớn. Kết thúc bài múa, từ miệng lân sư phóng ra từng chùm pháo điện làm người xem vỗ tay rầm rầm. Có rất nhiều trò chơi của thời hiện đại được trình diễn, mời mọc. Trẻ em cũng thỏa sức lựa chọn theo ý mình thích.
Tết Trung thu đến, rồi đi và còn đọng lại trong lòng người bao hoài niệm. Dưới ánh trăng trong, người già, trẻ nhỏ đều vô tình nhắc chuyện mùa Trung thu năm trước. Ký ức bao giờ cũng đẹp hơn hiện tại. Cả cái bánh Trung thu, chiếc đèn ông sao chất mộc vẫn được coi là đẹp, thậm chí đẹp hơn, ngon hơn những gì có hôm nay. Bởi đó là kỷ niệm đẹp từng đi qua tuổi thơ đời người.
Song dù xã hội có đổi thay đến mấy thì Tết Trung thu vẫn là ngày ông bà, cha mẹ, con cháu cùng quây quần bên mâm cỗ. Trước sân nhà, hay ở một nhà hàng sang trọng cũng đều mang ý nghĩa đoàn viên. Cho dù ánh đèn điện thay ánh sao trời, thì dịp Tết trông trăng vẫn là một dịp để con cháu thể hiện sự hiếu kính với cha mẹ già. Đồng thời nhắc nhớ các bậc sinh thành dù bận trăm công nghìn việc nhưng không thể sao nhãng trách nhiệm với con trẻ. Bởi một lẽ giản đơn: “Trẻ em là tương lai đất nước”.