Vượt lên nỗi đau HIV/AIDS

Cập nhật: Thứ hai 12/09/2016 - 10:00
 Cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thái Nguyên tuyên truyền về hoạt động nâng cao năng lực phòng, chống HIV/AIDS đến các đối tượng dễ bị lây nhiễm.
Cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thái Nguyên tuyên truyền về hoạt động nâng cao năng lực phòng, chống HIV/AIDS đến các đối tượng dễ bị lây nhiễm.

Chị khóc rống lên như đứa trẻ bị đòn. Tiếng khóc của chị làm bà con chòm xóm ngơ ngác, sợ sệt. Đến ngày thứ ba, tiếng khóc của chị ri rỉ như tiếng con mèo ốm. Ngoài đường, có tiếng người hỏi: - Sao nó khóc ghê thế. Một người đáp: - Cả nhà nó sắp chết hết vì bệnh “ếch nhái” rồi.

Đó là một ngày của năm 2002, cái tin chồng bị lây nhiễm HIV/AIDS do người bạn thân mách nhỏ, đã như cú đánh trời giáng xuống cuộc đời chị Lý Lệ, huyện Đồng Hỷ. Chị hoảng loạn, lo sợ, không may cả 2 vợ chồng cùng chết thì 2 con còn nhỏ sẽ sống như thế nào. Tiếng khóc hờn của chị đầy ấm ức, ai oán, động lòng cảm thương, nhiều bà con lân cận đến nhà động viên, chia sẻ, nhưng ai cũng sợ bị lây nhiễm HIV/AIDS.

 

Chị Lý Lệ sinh năm 1980. Tốt nghiệp THCS thì ở nhà cấy lúa, trồng màu đỡ đần bố mẹ. Năm 18 tuổi, chị lấy chồng, với giấc mơ có một gia đình dù nghèo nhưng hạnh phúc. Nhưng giấc mơ rất đỗi đời thường của chị không thành hiện thực. Năm chị sinh đứa con thứ 2 được 3 tháng, chồng đổ đốn chạy theo tiếng gọi ái tình của một người đàn bà lẳng lơ ngoài phố. Chị nín nhịn, không dám nói một lời. Chị nghĩ, mình là đàn bà.

 

Ngày chồng trở về với thân hình còm cõi, chị không nói gì, lẳng lặng vay mượn tiền bạc đưa cho chồng đi chữa bệnh. Viện tỉnh không khỏi, chị mượn thêm tiền cho chồng về một số bệnh viện lớn ở Hà Nội chạy chữa. Nhưng mọi hy vọng của chị được đền đáp bằng con số không. Thậm tệ hơn, chồng chị có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV. Chị đau đớn chấp nhận một sự thật nghiệt ngã. Chị cắn răng nhịn nhục để người thân đưa về Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh làm xét nghiệm. Căng thẳng đến tột cùng, chị bị ngất khi vừa nhìn thấy cán bộ y tế. Sau ít ngày tĩnh dưỡng, chị lấy lại tinh thần đi làm xét nghiệm lần 2. Chị tím tái mặt mày, hàm cứng lại không nói được khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm dương tính với HIV.

 

Chị bải hoải đi dưới trời đầy mưa. Chị choáng váng khi nhìn thấy bức tranh đen đúa, có hình bộ xương người vác lưỡi hái tử thần treo bên đường. Chị kể: Lúc đó, tôi chỉ mong có một tai nạn giao thông đến với mình. Vì bị mắc căn bệnh này, là đồng nghĩa với lĩnh án tử rồi. Sống khổ lắm, bị bà con chòm xóm kỳ thị, xa lánh, thậm chí không dám đứng gần nói chuyện. Chị bước chân về căn nhà lạnh lẽo đầy mùi ẩm mốc, nhìn chồng ốm, con chưa có cơm ăn. Lòng chị quặn lại vì giận chồng, nhưng thương con, chị bỏ qua tất cả, không một lời truy hỏi chồng căn nguyên vì đâu nên nỗi.

 

Sau cú xốc đau đớn ấy, chị bừng tỉnh nhận ra một gánh nặng cuộc đời đặt lên vai. Đó là bệnh của mình, của chồng và các con cần được ăn, học như bạn bè cùng trang lứa. Chị đứng dậy, bước qua bao lời dèm pha của người đời để vượt lên nỗi đau của căn bệnh HIV. Chị tất tưởi lo việc đồng áng, việc trong nhà để giữ hơi ấm hạnh phúc. Thấy chị chí thú làm ăn, người anh ruột bên chồng rủ vào Đắc Lắc buôn bán, làm rẫy. Đang có tâm trạng rời bỏ làng đi một nơi thật xa, nên chị vận động chồng đi để làm lại cuộc đời. Đó là năm 2003, chị gạt nước mắt giao đứa con lớn cho ông bà nội nuôi hộ, còn 2 vợ chồng bế theo đứa con nhỏ lên tàu về Nam. Đến vùng đất mới, vợ chồng chị chẳng nề nan việc gì, như dãy có cà phê, mót điều, mót sắn. Con còn nhỏ không có tiền gửi nhà trẻ, chị cho con theo lên nương, lắm hôm con bị kiến đốt đỏ tấy khắp người, chị ôm con vào lòng khóc tức tưởi, bảo: Con ơi, tha lỗi cho mẹ.

 

Khi có lưng vốn, vợ chồng chị đưa nhau về một miệt rừng xa trung tâm thị trấn, mua đất phát rẫy, trồng cà phê, với mong muốn có thêm chút tiền để chữa căn bệnh HIV. Sau 3 năm làm lụng, vợ chồng chị có được trong tay gần 10 ha đất, nhưng chưa kịp trồng cà phê thì chồng, vợ thay nhau ốm, đành bán hết đất đai trở về Bắc. Chị kể: Mấy ngày tàu xe, lo lắm, chồng tôi cứ rên rẩm rồi nằm lịm trên ghế. Tôi lấy chăn đắp cho chồng, nghĩ: Giả như chồng có chết, cũng không dám kêu, vì sợ nhà xe đuổi xuống ngang đường.

 

Chị luôn hy vọng vào một phép nhiệm màu xuất hiện có thể cứu được chồng khỏi lưỡi hái tử thần. Dù nhiều lần bệnh viện trả về, bảo chị chuẩn bị lo hậu sự. Nhưng về đến nhà được ít hôm, chồng kêu đau, chị lại quáng quàng, còn nước, còn tát, nhờ người đưa đi bệnh viện. Nhưng mọi cố gắng của chị đều trở nên vô nghĩa. Năm 2008, chồng chị mất, ể lại cho chị 2 con nhỏ cùng điều tiếng thị phi. Chị bảo: Các con là điểm tựa tinh thần để tôi vượt lên tất cả để sống làm người có ích.

 

Hằng ngày, ngoài việc đồng áng, chị hăng hái tham gia các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Cũng nhờ tham gia hoạt động này, chị hiểu biết hơn về căn bệnh thế kỷ chị đang mang. Chị sống lạc quan, tham gia uống thuốc ARV đều đặn, đúng giờ nên khỏe khoắn, đẹp lại. Cùng thời gian, đau đớn vơi nguôi, năm 2010, chị đi bước nữa với nghĩ suy có chỗ để nương tựa, chăm nom nhau khi ốm đau. Chị tự hào: Dù lần lấy chồng này không tay bưng cơi trầu, đầu đội lễ cưới, cũng cả không đăng ký kết hôn, song tôi được gia đình nhà chồng tôn trọng.

 

Năm 2011, Câu lạc bộ “Vòng tay nhân ái” được thành lập, chị là thành viên nòng cốt. Chị cho biết: Tôi đã từng đau đớn đến tột cùng vì căn bệnh HIV, nên tôi thấu hiểu nỗi đau của những người cùng cảnh. Vì thế tôi luôn gần gũi, giúp đỡ, động viên những người có HIV, vượt lên mặc cảm của chính mình để sống có ích cho mình và xã hội. Nhiều người đang chìm đắm trong dằn vặt, đau đớn, tôi cùng các thành viên trong Câu lạc bộ đến động viên, giúp họ mau nguôi ngoai, có lại trạng thái tâm lý ổn định để không có suy nghĩ trả thù đời. Cũng bởi thế mà Câu lạc bộ Vòng tay nhân ái huyện Đồng Hỷ ngày càng có nhiều người tham gia, hiện có hơn 80 thành viên, sinh hoạt 1 lần/tháng. Mục đích của Câu lạc bộ là tạo điều kiện cho hội viên được gặp gỡ nhau, lắng nghe, thấu hiểu và giúp đỡ nhau ổn định tư tưởng, yên tâm lao động sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và hạn chế lan truyền căn bệnh HIV/AIDS. Ngoài làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vòng tay nhân ái, tôi tham gia làm công tác tư vấn truyền thông về HIV tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh từ hơn 5 năm nay.

 

Chị dừng lời, đưa mắt nhìn ra khoảng sân đầy mưa. Tôi cũng nhìn theo từng giọt mưa bong bóng, thấy tái hiện bao nỗi đau sâu thẳm của những người đàn bà mang trong cơ thể căn bệnh HIV. Tôi quay sang nói với chị: Có lẽ sau khi con người ta trải qua đau đắng đến tột cùng, thì người ta sẽ mãnh liệt, bền bỉ hơn trong cuộc sống - Lý Lệ là một người như vậy.
 

(Tên nhân vật đã được thay đổi).

Chí Cường
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: