Vượt qua nỗi đau
Chợt một ngày khi gặp bạn, những người thân lảng tránh, bạn sẽ rất ngỡ ngàng và nhận ra một tai hoạ đang ập vào cuộc đời - Tai hoạ từ đại dịch HIV/AIDS mang lại. Nhưng chắc chắn bạn sẽ đau khổ hơn rất nhiều khi phải sống đơn độc giữa cuộc đời... Rơi vào hoàn cảnh này, ban đầu tôi đã có ý định quyên sinh. Nhưng tôi đã không chết. Tôi đã vượt qua nỗi đau để sống như bao con người trong xã hội.
Đó là những dòng chữ trong cuốn nhật ký chị Trần Thị Mơ, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) lật mở cho tôi xem. Ngay từ trang đầu chị đã viết lại cảm xúc của mình trong nỗi đau tuyệt vọng khi biết mình bị HIV. Cái ngày định mệnh ấy giáng vào cuộc đời chị từ hơn 5 năm về trước. Chị kể: Khi vào bệnh viện sinh con, 2 bên gia đình nội - ngoại mừng vui, chăm lo cho tôi từng li, từng tí. Tôi đang rất hạnh phúc thì một sớm thức dậy thấy chồng ngồi ủ rũ cuối giường, khuôn mặt nhợt nhạt vì mất ngủ. Nội, ngoại mọi khi đông vui thế, vậy mà hôm đó chỉ còn lại chồng tôi. Anh ấy chán nản, tuyệt vọng đến mức không muốn hỏi xem tôi sẽ ăn gì vào bữa sáng để lấy sữa cho con bú. Ngắc ngứ mãi anh ấy cũng đưa ra được một thông báo: Mình bị lây nhiễm HIV.
...Khi kể lại câu chuyện này cho tôi nghe, chị Mơ đã suy nghĩ rất nhiều. Bởi ngay khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, gia đình nhà chồng, rồi cả bố mẹ đẻ nhiều khi không dám gần gũi. Với chị, đó là những ngày tháng đau buồn, tủi hổ nhất của cuộc đời. Là phụ nữ, chuyện “vượt cạn” là niềm mong đợi của mọi người thân, nhưng cũng khi ấy chị phải nghe bao lời cay nghiệt từ chính những người thân của mình. Hơn thế, bè bạn cũ đến thăm còn không dám uống nước, bế cháu, thậm chí không dám ngồi lên giường vì sợ lây nhiễm HIV. Cuống quýt, dúi vội chút quà mừng cho cháu, rồi gượng thêm dăm câu xã giao là cáo lỗi bận, ra về như người chạy trốn.
Chị nhờ bố, mẹ chồng đi làm giấy khai sinh cho cháu nội. Khi ấy ông bố chồng đứng tần ngần, mắt rớm nước. Còn mẹ chồng thảng thốt: Sinh với tử để làm gì... rồi bước ra sân. Chị ôm con vào lòng, oà khóc.
Gần ba tháng sau ngày sinh nở, chị Mơ ra UBND phường làm giấy khai sinh cho con. Chị đặt tên cháu là Trần Văn Tâm. Chị bảo: Bố cháu là Trần Văn Quyết, nên cả nhà phải “Quyết tâm” vượt qua mặc cảm mà sống... Cái tổ ấm của gia đình chị là căn nhà bếp bố, mẹ chồng nhượng cho. Chị bảo: Ngay sau khi sinh con được một tuần tôi đã phải tự giặt giũ, cơm nước. Thỉnh thoảng mẹ chồng có sang thăm, cụ giặt tã cho cháu bằng cách xả nước vào chậu, dùng cây khua, rồi đi hai lớp găng tay mới dám vắt, phơi. Tôi không giận, vì biết bản thân mình bị nhiễm HIV, lỡ đâu lại lây sang các cụ thì khổ. Chỉ buồn là các cụ đến thăm con, thăm cháu nhưng chỉ đứng ngoài hiên nhà nói chuyện vào, không dám bế cháu.
Lúc bé Tâm chập chững tập đi, anh Quyết bị đi ngoài liền 2 tuần, thuốc thang không cầm được rồi anh mất còn lại hai mẹ con, chị nhẫn nhịn, kìm nỗi đau vào lòng, hằng ngày tất tả chạy chợ kiếm tiền nuôi thân, nuôi con. Cuộc sống cực nhọc, động đâu cũng thiếu, nhưng chị chưa một lần oán thán, trách móc người chồng bạc mệnh đã gieo vào cơ thể chị căn bệnh mà hiện nay nền y học chưa tìm ra thuốc chữa.
Thấy chị Mơ sớm hôm lủi thủi một thân nuôi con, người mẹ đẻ gạt nước mắt, nói với chồng: Thôi, ông ạ, “Cá chuối đắm đuối vì con”, tôi sang bên đó đón cháu ngoại về nuôi... Nhờ có tình thương của ông ngoại, cuộc sống của mẹ con chị Mơ dần vơi bớt khó khăn. Song hôm nào cũng như hôm nào, chị dậy từ 2 giờ sáng, ăn vội lưng cơm nguội rồi tất tả dắt xe ra chợ Túc Duyên mua rau, mang về các chợ Đồng Quang hoặc chợ Trung tâm bán lấy lời. Chị bảo: Sau nỗi đau, trong tôi lại trào dâng đầy niềm hy vọng. Công việc hằng ngày bận rộn, nên tôi không có thời gian để buồn.
Chợt đôi mắt chị ánh lên một niềm vui: Cháu Tâm đã đầy tuổi, hôm trước bà ngoại đưa cháu đi lấy máu làm xét nghiệm, cháu âm tính với HIV. 3 tháng truớc đây cháu Tâm cũng có kết quả xét nghiệm như vậy... Rồi sớm nay, ông, bà nội cũng đã sang thăm cháu.
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)