Xả rác trên tuyến kênh Tây: Cần mạnh tay xử phạt
Hiện nay, những bể chứa rác được xây trên tuyến kênh Tây như thế này chỉ là giải pháp tạm thời để hạn chế tình trạng rác ùn tắc cục bộ. |
Tình trạng xả rác dọc tuyến kênh Tây trên địa bàn T.X Phổ Yên đã tồn tại nhiều năm nay, mặc dù, Trạm khai thác thủy lợi T.X Phổ Yên (Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên) đã có giải pháp khắc phục nhưng chỉ mang tính tạm thời. Để giải quyết tận “gốc” vấn đề, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong công tác quản lý và mạnh tay xử phạt các trường hợp vi phạm.
Trạm Khai thác thủy lợi T.X Phổ Yên hiện đang quản lý trên 50km kênh mương cấp 1, cấp 2. Trong đó, tuyến kênh Tây hệ thống hồ Núi Cốc dài 11km, điểm bắt đầu từ xã Đắc Sơn và kết thúc tại xã Trung Thành. Từ năm 2017 trở về trước, trên tuyến kênh này thường xuyên xảy ra tình trạng ngập rác thải sinh hoạt, xác động vật, đặc biệt những đoạn phía cuối kênh thuộc các xã Tân Hương, Nam Tiến và Trung Thành. Có những đoạn kênh, rác ùn ứ kéo dài từ 700-800m, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân xung quanh.
Ông Ngô Thượng Hoan, Trạm trưởng Trạm Khai thác thủy lợi T.X Phổ Yên chia sẻ: Trước thực trạng trên, năm 2017, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã xây dựng 1 bể chứa, thu gom rác thải tại đoạn gần cuối của tuyến kênh Tây thuộc xã Trung Thành (diện tích khoảng 20m2). Tuy nhiên, sau đó khoảng 3 năm, lượng rác trên tuyến kênh tiếp tục tăng khiến cho bể chứa rác trên bị quá tải. Để khắc phục, năm 2020, cũng trên tuyến kênh tại xã Trung Thành nhưng cách vị trí bể thu gom cũ 200-300m, Công ty tiếp tục xây thêm 1 bể chứa rác mới với diện tích gần 100m2. Hiện nay, vào mỗi đợt mở nước phục vụ nhân dân tưới tiêu, Trạm đều phân công nhân viên trực để vớt rác tại 2 bể này; sau đó thuê Hợp tác xã môi trường Trung Thành vận chuyển đến bãi rác Minh Đức (T.X Phổ Yên) để tiêu hủy.
Ông Nguyễn Ngọc Thực, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Việc đầu tư, đưa vào hoạt động các bể thu gom rác trên tuyến kênh Tây thuộc địa phận của xã đã góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc rác cục bộ, tuy nhiên, lượng rác bị vứt xuống kênh vẫn chưa giảm thậm chí còn tăng hơn. Bởi lẽ hiện nay dọc tuyến kênh này, ngày càng nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống “mọc” lên. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn chưa thay đổi thói quen vứt rác xuống kênh.
Tương tự đối với xã Nam Tiến, hiện nay tình trạng rác thải sinh hoạt trôi nổi trên tuyến kênh Tây qua địa bàn xã vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là khi Trạm khai thác thủy lợi xả nước. Rác không chỉ tập trung trên tuyến kênh này mà còn len lỏi vào các tuyến mương của các xóm, gây ách tắc dòng chảy. Ông Trương Văn Chung, Trưởng xóm Lò, xã Nam Tiến chia sẻ: Hiện nay, xóm có hơn 1km tuyến mương đấu nối từ kênh Tây vào xóm Lò để phục vụ người dân sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên thời gian qua, rác trên kênh trôi dạt vào mương rất nhiều dẫn đến ùn tắc. Vì thế, xóm đã phải làm tấm chắn ngay đầu mương và phân công người trực để vớt rác mỗi ngày.
Tình trạng trên chưa được giải quyết dứt điểm là do người dân sống dọc tuyến kênh vẫn hằng ngày vứt rác xuống đây. Mặc dù, đã chế tài xử phạt thế nhưng vấn đề này dường như vẫn đang bị bỏ ngỏ. Ông Ngô Thượng Hoan cho biết thêm: Hiện nay, việc quản lý hoạt động của tuyến kênh thuộc thẩm quyền của Trạm, còn việc xử phạt các hành vi vứt rác xuống kênh thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây, gần như chưa có trường hợp nào bị xử phạt. Để khắc phục triệt để vấn đề này có thể đầu tư, xây dựng hệ kênh ngầm tuy nhiên cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn. Vì thế, giải pháp “căn cơ” hiện nay được xác định là chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý, phát hiện và mạnh tay xử lý những người dân vi phạm do vứt rác xuống kênh…