Xây dựng thương hiệu vùng rau an toàn xã Dương Thành
Mô hình trồng rau thủy canh mới được gia đình bà Đò Thị Kim đưa vào sử dụng đạt tiêu chuẩn chất lượng ATVSTP. |
Trên cùng một diện tích đất, người trồng rau an toàn thu nhập gấp 2,5 lần so với trồng lúa, sản phẩm làm ra đến đâu được các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm an toàn đặt mua hết đến đó. Người trồng rau an tâm gắn bó với đồng đất, thu nhập từng bước được cải thiện và hướng đến xây dựng thương hiệu mạnh trên thị trường. Ghi nhận của chúng tôi tại vùng rau an toàn xã Dương Thành (Phú Bình).
Những ngày đầu Đông, trên cánh đồng xóm Nguộn, xã Dương Thành trở nên nhộn nhịp khi những lứa cà chua sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bắt đầu cho thu hoạch. Người làm rau vừa tất bật thu hái, vừa tiếp chuyện với khách hàng qua điện thoại đặt hàng. Chị Đào Thị Kim là thành viên Hợp tác xã (HTX) Rau củ quả an toàn Dương Thành cho biết: “Các bác đến mua lẻ vài cân thì có thể có, chứ mua nhiều thì hết hàng rồi. Các siêu thị từ Hà Nội, Hải Phòng đặt tiền bao tiêu sản phẩm từ đầu vụ. Có vài sào nhỏ lẻ thì trường học mấy xã quanh đây đã đặt mua hàng ngày mà không đủ cung cấp”. Năm 2018 là năm đầu tiên HTX mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh sang trồng rau an toàn với diện tích gần 2ha, với sự tham gia hợp tác của 7 thành viên chủ yếu là các hộ có ruộng liền khu, liền khoảnh, chung thổ nhưỡng, nên có sự hợp tác chặt chẽ trong tổ chức sản xuất, phân công trách nhiệm.
Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTX cho biết: Từ năm 2015, gia đình đã tiếp cận với quy trình sản xuất rau an toàn, nhưng nếu chỉ có mấy sào đất thì không thể vượt ra khỏi tư duy tự cung tự cấp và cũng không thể có thị trường. Chính vì vậy, mấy gia đình trong xóm đã hợp tác lại để trồng rau an toàn. Ban đầu là trồng ớt, sau đó mở rộng ra các loại rau, củ theo từng mùa vụ. Nhiều hộ trong HTX đã tự bỏ kinh phí khoan giếng, mua máy bơm nước đảm bảo nguồn nước tưới… Đặc biệt, HTX đã áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ mới bao gồm hệ thống nhà mái che với cột thép mạ kẽm không gỉ; cung vòm bằng thép; mái vòm lợp bằng nilon chuyên dụng PE (polyethylene plastic)… Và mới đây là làm thí điểm mô hình rau thủy canh; bên dưới có hệ thống lưới đen cắt nắng, xung quanh được quây bằng lưới chắn côn trùng, bên trong có hệ thống tưới phun tự động.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, thành viên HTX cho biết: “Từ khi tham gia vào HTX, chúng tôi được trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ lý thuyết đến thực hành trên đồng ruộng, rồi được tham quan học hỏi kinh nghiệm. HTX chúng tôi thống nhất trồng từng loại cây trong từng thời vụ, tuân thủ theo một quy trình chăm sóc, trong đó ưu tiên việc sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, bón phân hữu cơ. Đặc biệt, HTX còn tìm đầu ra ổn định để tiêu thụ nông sản cho thành viên”.
Theo chị Đặng Thị Hồng, thành viên HTX: “Trước đây, gia đình cấy lúa, trồng rau gối vụ, làm quanh năm chỉ cho thu nhập gần 4 triệu đồng/sào ruộng/năm. Từ khi tham gia HTX, công việc tuy bận rộn hơn, không có thời gian nông nhàn nhưng thu nhập tốt hơn. Nhiều hộ trong HTX trồng hoa phục vụ Tết, rau, củ an toàn… đã cho thu nhập trên 20 triệu đồng/sào ruộng. Khó là khâu đầu tư ban đầu có phần thiếu vốn, như chi phí xây dựng nhà khung, mua lưới… nhưng dùng được lâu dài, nhiều năm. Đặc biệt là khung mạ kẽm không gỉ, hệ thống tưới tự động có thể dùng lâu dài. Tham gia HTX, mọi thành viên đều phải có trách nhiệm xây dựng chất lượng và tạo uy tín với thị trường. Ban Chỉ đạo điều hành sản xuất bám đồng ruộng, theo dõi thời tiết từng thời điểm rồi thông báo đến từng thành viên quy trình chăm sóc cây trồng, thời điểm tưới tiêu, chắn gió, vây lưới chống thất thoát nước…
Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc HTX cho biết thêm: Đầu năm 2019, HTX đã ký hợp đồng với Công ty xuất nhập khẩu Á Âu - Hải Phòng sản xuất dưa lưới theo đơn đặt hàng, bên Công ty cung cấp giống, kỹ thuật và giám sát, hỗ trợ quy trình chăm sóc, cho đến khi thu hoạch. Bên cạnh đó cũng có vài siêu thị, các nhà thầu chế biến thực phẩm cho các khu công nghiệp đặt vấn đề hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm, nhưng do quy mô còn hạn chế, nên HTX chưa thực hiện hợp đồng. Từ đầu năm đến nay, doanh thu từ sản xuất hoa, rau, củ, quả an toàn đạt trên 1 tỷ đồng, thu nhập bình quân mỗi thành viên HTX đạt trên 6 triệu đồng/tháng.
Đánh giá về tiềm năng và triển vọng, ông Dương Văn Tư, Chủ tịch UBND xã Dương Thành nhận định: Mô hình HTX Rau củ quả an toàn Dương Thành là mới với địa phương. Người dân đã mạnh dạn liên kết sản xuất và đã có nhiều doanh nghiệp đến đặt vấn đề hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đây chính là điểm mới và mở ra tiềm năng phát triển tốt, nhất là trên góc độ xây dựng thương hiệu sản phẩm. Để nhân rộng, xã sẽ tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch và nhân dân chủ động hợp tác thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa thì Dương Thành sẽ có một vùng rau an toàn, tạo thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.