Xét nghiệm HIV tại cộng đồng giúp phát hiện sớm các trường hợp mới nhiễm
Ngày 3/6, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức hội thảo “Sơ kết hoạt động xét nghiệm HIV tại cộng đồng – Kết quả ban đầu và định hướng tương lai”.
*Xét nghiệm HIV tại cộng đồng
Thạc sỹ Võ Hải Sơn, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Hiện nay, tỷ lệ xét nghiệm HIV dương tính trong tư vấn xét nghiệm tự nguyện ngày càng giảm và ở mức thấp (1%). Tỷ lệ người có nguy cơ cao được xét nghiệm HIV trong vòng 12 tháng qua chỉ đạt từ 30- 35%. Các khu vực có tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng của mình ở mức thấp, chủ yếu ở nơi xa trung tâm, đi lại khó khăn, khó tiếp cận xét nghiệm HIV. Kỳ thị và tự kỳ thị đã vẫn là nguyên nhân gây hạn chế việc tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV. Bên cạnh đó còn có tình trạng xét nghiệm lặp lại nhiều lần (sử dụng giấy tờ của người khác, sử dụng tên giả, không tin vào kết quả xét nghiệm) và không đăng ký điều trị ngay sau khi biết tình trạng nhiễm HIV dương tính dẫn đến lãng phí về công sức và kinh phí...
Trước tình hình trên, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã triển khai thí điểm tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng tại 6 tỉnh (Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) giai đoạn 2015 – 2017. Sau đó, giai đoạn 2017 – 2020, Cục sẽ triển khai mở rộng hình thức này tại các huyện có người nhiễm HIV cao, các đối tượng có nguy cơ cao trong cả nước.
Các mô hình được triển khai gồm: Xét nghiệm HIV lưu động do cán bộ y tế triển khai trực tiếp tại cộng đồng, mô hình tư vấn xét nghiệm HIV thông qua mạng lưới y tế thôn bản; mô hình tư vấn xét nghiệm HIV thông qua các tổ chức cộng đồng. Tư vấn xét nghiệm tại cộng đồng tập trung vào việc tập huấn cho cán bộ y tế xã, y tế thôn bản, thành viên của câu lạc bộ; triển khai xét nghiệm tại thôn bản, địa điểm sinh hoạt câu lạc bộ; hỗ trợ kỹ thuật và giám sát; chuyển gửi xét nghiệm và điều trị ARV. Các đối tượng đích được xét nghiệm gồm: Người nghiện chích ma túy; vợ, chồng, con của người nhiễm HIV; phụ nữ bán dâm; nam quan hệ tình dục đồng giới nam; người chuyển giới nữ; vợ của người nghiện chích ma túy đã mất; vợ của người nghiện chích ma túy chưa được xét nghiệm HIV...
*Hiệu quả bước đầu
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thúy Vân, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: Tại Thanh Hóa, mô hình tư vấn xét nghiệm HIV thông qua mạng lưới y tế thôn bản được triển khai từ tháng 8/2015 tại 12 xã. Đã có 868 người được tư vấn xét nghiệm, 826 người được xét nghiệm, 42 người cho kết quả dương tính với HIV và 37 trường hợp được điều trị ARV.
Tại tỉnh Thái Nguyên, mô hình tư vấn xét nghiệm HIV thông qua 4 nhóm tự lực cũng được triển khai từ tháng 8/2015. Kết quả cho thấy có 234 người đã xét nghiệm (số trường hợp lần đầu xét nghiệm là 116/234 người), 9 trường hợp khẳng định dương tính với HIV và được điều trị ARV.
Thạc sỹ Võ Hải Sơn, Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh: Hoạt động này sẽ giúp mở rộng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng; mở rộng các phòng xét nghiệm khẳng định HIV tuyến huyện; kết nối điều trị ngay sau khi xét nghiệm HIV dương tính. Bên cạnh đó, việc triển khai xét nghiệm HIV tại cộng đồng đã giúp tiếp cận đúng các đối tượng đích; tỷ lệ xét nghiệm HIV dương tính cao; huy động tính sẵn có nhân lực tại cộng đồng. Đồng thời, hoạt động này giúp tăng cơ hội lựa chọn làm xét nghiệm HIV cho các đối tượng nguy cơ cao; đảm bảo kết nối từ xét nghiệm đến điều trị ARV sớm.
Các báo cáo tại hội thảo cũng nêu rõ: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng là chiến lược phù hợp để tăng số người xét nghiệm HIV và phát hiện các trường hợp mới nhiễm. Kết quả từ mô hình này sẽ cung cấp thông tin phát triển Hướng dẫn quốc gia về xét nghiệm HIV tại cộng đồng.../.