Xóm người Sán Chay nhiều năm không có người sinh con thứ ba
Chị em phụ nữ xóm Cầu Bình 1 thường xuyên chia sẻ với nhau kinh nghiệm chăm sóc gia đình, phát triển kinh tế trong những buổi lao động. |
Xóm Cầu Bình 1, xã Vô Tranh (Phú Lương) có 144 hộ với 472 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Sán Chay chiếm 98%. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp tuyên truyền, vận động, 5 năm qua, xóm không có người sinh con thứ ba.
Dọc 2 bên con đường bê tông dài hơn 1km dẫn vào nhà Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Cầu Bình 1 Hoàng Văn Thành là những ngôi nhà kiên cố, khang trang được bao quanh bởi nương chè xanh mướt. Nhẹ tay rót chén trà mới ủ, ông Thành kể: Trong suy nghĩ của đồng bào nơi đây, gia đình phải có con trai để nối dõi tông đường, nhiều người vẫn mang tư tưởng nhà đông con thì vui cửa, vui nhà. Vì vậy, từ năm 2016 trở về trước, năm nào trong xóm cũng có từ 2-3 cặp vợ chồng sinh con thứ ba trở lên. Nhà đông con, lại không có nghề nghiệp ổn định nên cái nghèo cứ mãi đeo đẳng hơn trăm nóc nhà trong xóm.
Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, tại những buổi sinh hoạt xóm, các đoàn thể đã vào cuộc. Người già, phụ nữ, thanh niên rồi các bác cựu chiến binh, mỗi người “1 tay, 1 chân” đến từng nhà để dò hỏi tâm tư, nguyện vọng của các cặp vợ chồng nhằm kịp thời làm công tác tư tưởng cho những gia đình có ý định sinh con thứ ba.
Chi bộ cũng quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên trong xóm phải gương mẫu thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch. Các đảng viên được phân công nhiệm vụ cụ thể để vận động gia đình, người thân, hàng xóm thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình...
“Mưa dầm thấm lâu”, lại thêm cảnh nhà khó khăn khi đông con, người dân trong xóm đã dần thay đổi suy nghĩ, cách nhìn về việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Từ năm 2016 đến nay, ở xóm không có người sinh con thứ ba. Chị La Thị Hồng, một người dân xóm Cầu Bình 1 chia sẻ: Dù đã có 2 con trai nhưng muốn đông con cho “vui nhà, vui cửa” nên cách đây 1 năm, vợ chồng tôi có ý định sinh thêm. Nhưng do kinh tế khó khăn và được các đoàn thể, cộng tác viên dân số của xóm đến tuyên truyền, vận động, vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm mà tập trung nuôi dạy 2 con cho tốt.
Không giống chị Hồng, vì muốn có con trai để nối dõi nên từ năm 1991-2004 bà La Thị Như sinh liền 5 cô con gái. Bà Như chia sẻ: Nhà đông con nên tôi không có thời gian chăm sóc chúng, kinh tế gia đình gia đình khó khăn và nhiều năm liền thuộc diện hộ nghèo. Từ đó, khi các con lập gia đình tôi đều khuyên chúng không nên sinh nhiều con. Hiện giờ, các con của tôi cũng chỉ sinh 1-2 con dù gái hay trai.
Nhờ thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, người dân trong xóm có điều kiện tập trung phát triển kinh tế nên đời sống ngày càng khởi sắc. Ông Hoàng Văn Thành phấn khởi nới: Hiện nay, 100% các cháu đều đến trường đúng độ tuổi, không có cháu nào bị suy dinh dưỡng hay mắc tệ nạn xã hội; xóm hiện chỉ còn 1 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo (năm 2016 là 21 hộ), thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Hàng năm có trên 90% hộ đạt gia đình văn hoá, 4 năm liền xóm đạt danh hiệu khu dân cư văn hoá...