Bài toán phát triển Đảng trong doanh nghiệp FDI
Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ Công đoàn Doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Các khu công nghiệp Thái Nguyên. |
Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã có những bước tiến vượt bậc trong thu hút đầu tư, nhất là thu hút các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với 117 DN FDI hiện đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp, quản lý hơn 100.000 lao động trực tiếp đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, công tác vận động thành lập tổ chức Đảng (TCĐ) và phát triển đảng viên trong các DN FDI đang gặp nhiều khó khăn. Câu hỏi làm thế nào để thành lập và phát triển các TCĐ tại khu vực DN FDI luôn là điều trăn trở đối với các cấp ủy Đảng...
Kỳ 1: Quan tâm nhưng chưa hiệu quả
Trong tổng số 117 DN FDI thì hiện mới có 2 DN thành lập được TCĐ (chiếm 1,7%) với tổng số 59 đảng viên. Thực tế cho thấy ở những DN có TCĐ, nhận thức chính trị của người lao động thường cao hơn và việc định hướng tư tưởng cho người lao động cũng thuận lợi hơn. Việc thành lập TCĐ trong DN FDI không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chính trị - xã hội của một bộ phận người lao động, mà còn khẳng định sức hút và vai trò của Đảng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Được sự giới thiệu của lãnh đạo T.X Phổ Yên, chúng tôi có mặt tại Công ty TNHH Mani Hà Nội. Đây là Công ty có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản, hiện có trên 3.100 người lao động. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Chi bộ Mani Hà Nội cho biết: Chi bộ thành lập từ năm 1997, tiền thân là chi bộ công ty liên doanh giữa Công ty Meinfa và Công ty Mani của Nhật gọi chung là Công ty Mani Meinfa.
Khi mới thành lập Chi bộ có 7 đảng viên, đến nay đã phát triển lên 45 đảng viên. Thời gian qua, Chi bộ luôn phát huy vai trò là hạt nhân chính trị trong lãnh đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của DN; tham gia giải quyết hợp lý các tranh chấp, ngăn chặn kịp thời đình công bất hợp pháp… Mỗi năm, Chi bộ kết nạp được từ 5-7 đảng viên. Các đảng viên đều là những người ưu tú, nhiệt huyết, đầu tầu, gương mẫu trong công việc và các hoạt động, không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn. Nhiều đảng viên còn giữ chức vụ, làm công tác quản lý, điều hành DN vì thế năng lực được phát huy tối đa, góp phần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty ngày càng đi lên.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2017, doanh thu của đơn vị tăng 8,3 triệu USD, lợi nhuận tăng 200 nghìn USD và nộp ngân sách Nhà nước tăng. Tại Mani Hà Nội, các quần chúng ưu tú được cử đi học lớp nhận thức về Đảng và đảng viên tham gia các lớp đảng viên mới đều được Công ty tạo điều kiện và chi trả nguyên lương trong thời gian theo học.
Còn tại Công ty TNHH Wiha Company (100% vốn đầu tư của Đức), Chi bộ được thành lập năm 2007 với 8 đảng viên. 10 năm qua, TCĐ của Công ty đã phát huy được vai trò trong giáo dục tư tưởng, chính trị cho đảng viên, động viên công nhân, người lao động thực hiện nội quy, quy chế làm việc. Cấp ủy Đảng nơi đây cùng với các tổ chức đoàn thể trong DN đã giúp Ban lãnh đạo Công ty nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động để kịp thời giải quyết những vướng mắc, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Nhờ đó, Công ty luôn giữ vững nhịp độ phát triển, kết quả năm sau cao hơn so với năm trước từ 10-15%. Hiện, Công ty đang đảm bảo việc làm ổn định cho khoảng 4.300 người lao động, với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước của Công ty những năm gần đây đều tăng.
Trên 98% doanh nghiệp FDI chưa có tổ chức Đảng
Với 134 dự án FDI có hiệu lực trên địa bàn tỉnh có tổng vốn đăng ký trên 7.200 triệu USD, Thái Nguyên trở thành một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài dẫn đầu của cả nước với những dự án lớn của Tập đoàn công nghệ cao Samsung và hàng chục nhà đầu tư của các tập đoàn Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia... góp phần thay đổi ngoạn mục bức tranh công nghiệp của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm gần đây đều đạt trên 12%, cao hơn mức tăng trung bình của cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu trên địa bàn và thu ngân sách hằng năm đạt và vượt kế hoạch; trong đó, tính riêng giai đoạn 2015 - 2017, các DN FDI đóng góp trên 5.300 tỷ đồng cho ngân sách tỉnh. Đặc biệt, các dự án FDI còn tạo việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động trực tiếp và gián tiếp của Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, qua khảo sát tại các DN FDI, chúng tôi nhận thấy, trong các DN này ngoại trừ tổ chức Công đoàn được thành lập theo pháp luật, còn TCĐ được xem như “chuyện riêng” của phía Việt Nam. Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thu Hằng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nói: Tại các DN 100% vốn nước ngoài, ở đây đại diện cho quyền và các lợi ích hợp pháp của người lao động, duy nhất được phía chủ DN công nhận là tổ chức Công đoàn. Bởi vậy trong nhiều năm qua, tại các công đoàn cơ sở của chúng tôi có chỉ tiêu cụ thể là giới thiệu ít nhất một đoàn viên ưu tú cho TCĐ xem xét, kết nạp nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Là một địa phương có nhiều DN FDI đóng trên địa bàn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền T.X Phổ Yên đã rất tích cực trong việc phát triển TCĐ tại các DN này nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như ý muốn. Ngay tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (Khu công nghiệp Yên Bình) là DN FDI tầm cỡ nhất của tỉnh với khoảng 70.000 lao động, trong đó có hơn 44.000 đoàn viên công đoàn, thế nhưng đến nay, vẫn chưa thành lập được TCĐ. Trong khi theo đánh giá của lãnh đạo T.X Phổ Yên và Công đoàn Samsung thì số lượng đảng viên là công nhân của Công ty hiện đang sinh hoạt tại nơi cư trú là không ít.
Đồng chí Nguyễn Quang Dương, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Phổ Yên, cho biết: Việc các DN FDI chưa có TCĐ đã gây ra những khó khăn nhất định trong công tác phát hiện quần chúng ưu tú, quản lý đảng viên tại DN cũng như tạo tư tưởng ổn định về chính trị, thúc đẩy người lao động đóng góp vào sự phát triển của đơn vị…
Đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh nói: Do số đảng viên đang sinh hoạt rất nhỏ bé so với tổng số lao động nên hoạt động của các TCÐ trong DN FDI còn nhiều lúng túng, thiếu hiệu quả và nhiều lúc "lạc nhịp" với môi trường sản xuất công nghiệp...
Đảng viên Phạm Văn Hùng, Quản đốc Bộ phận Bảo dưỡng thiết bị, Công ty TNHH Mani Hà Nội: Lãnh đạo DN là người nước ngoài nhưng luôn ủng hộ và tạo điều kiện để TCĐ hoạt động và phát triển như về thời gian hội họp, học tập, tập huấn cũng như về cơ sở vật chất phục vụ cho sinh hoạt Đảng.
Đảng viên Bùi Thị Vui, nhân viên Công ty TNHH Young Jin H-Tech Việt Nam (Khu công nghiệp Điềm Thụy): Ngày tôi vào Đảng, gia đình rất tự hào, nhưng bản thân tôi lại luôn suy nghĩ và đau đáu trong lòng là phải làm gì để chứng minh cho chủ DN nước ngoài thấy được và nhận ra rằng, người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là người gương mẫu đi đầu, trung thực và trách nhiệm trong công việc, để từ đó thuyết phục chủ DN sớm thành lập TCĐ.
Đồng chí Trần Văn Long, Phó Bí thư Đảng bộ, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp Thái Nguyên: Hiện, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có hơn 100 nghìn lao động nhưng mới có gần 200 đảng viên. Do đó cần phát triển nhiều đảng viên hơn để mỗi đảng viên trở thành những nhân tố tích cực của Ðảng trong các DN.
(Còn nữa)