Gắn đào tạo với rèn luyện thực tiễn

Cập nhật: Thứ ba 06/08/2019 - 16:58
 Chị Bàng Thị Tuyết, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơn Phú (bên phải) trao đổi, nắm tình hình tại một chi bộ nông thôn.
Chị Bàng Thị Tuyết, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơn Phú (bên phải) trao đổi, nắm tình hình tại một chi bộ nông thôn.

Cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Chính vì vậy, nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng thực tiễn cho đội ngũ này được Huyện ủy Định Hóa xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Bảo Linh là xã đặc biệt khó khăn của huyện Định Hóa. Những năm gần đây, địa phương vùng cao này đã có những chuyển biến đáng kể, nhất là việc thay đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện các mô hình sản xuất mới. Kết quả đó có đóng góp đáng kể của cá nhân Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Trường. Từng nhiều năm là cán bộ phụ trách lâm nghiệp, rồi lĩnh vực giao thông - thủy lợi, anh Trường hiểu rõ những thế mạnh về tự nhiên và hạn chế trong phương thức sản xuất của người dân quê mình. “Bảo Linh có diện tích tự nhiên lớn, vườn bãi rộng nhưng bà con lại chủ yếu độc canh cây lúa. Nhiều diện tích đất bỏ trống cho cây tạp. Vậy nên việc cần làm là thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập quán sản xuất cũ của người dân nơi đây.” - Anh Trường nói. Hơn 3 năm trên cương vị Phó Chủ tịch UBND xã, anh Trường dành nhiều thời gian đi cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con và đề xuất thực hiện được nhiều mô hình sản xuất, như: Canh tác lúa lai tại xóm A Nhì 1; trồng nấm thương phẩm; tăng diện tích trồng cây mầu vụ Đông… Gần 300ha đất rừng trước đây chủ yếu là cây tạp nay cơ bản được thay thế bằng cây keo lai cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ở xã Sơn Phú, chị Bàng Thị Tuyết, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, từng trải qua nhiều vị trí (từ phụ trách giao thông - thủy lợi, văn phòng) nên khi giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt của địa phương, chị đã có nhiều thuận lợi trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công việc. Nhờ sâu sát với cơ sở và đề xuất nhiều giải pháp phù hợp, chị Tuyết tạo được dấu ấn tốt với người dân, góp phần giúp Đảng bộ xã Sơn Phú trở thành một trong những điểm sáng về phát triển đảng viên nông thôn ở Định Hóa. Chị tự đánh giá: “Hạn chế của nhiều cán bộ cơ sở, trong đó có bản thân tôi là khả năng nắm bắt, xử lý những vấn đề mới nảy sinh từ thực tế. Chính vì vậy, nếu được rèn luyện ở nhiều vị trí khác nhau sẽ giúp chúng tôi có thêm nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, các buổi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ định kỳ do cấp trên tổ chức cũng giúp tôi tự tin hơn khi lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị ở địa phương”.

Quy hoạch, luân chuyển cán bộ qua nhiều vị trí công việc khác nhau để trưởng thành, có thêm kinh nghiệm như ở Bảo Linh và Sơn Phú là một trong những giải pháp mà huyện Định Hóa thực hiện nhằm nâng cao chất lượng cán bộ. Cùng với đó là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Ông Đàm Tiến Niên, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy thông tin: Khắc phục tình trạng một số cán bộ chủ chốt cấp xã, thị trấn trên địa bàn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn về trình độ, dẫn đến xử lý công việc còn lúng túng, bị động, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Định Hóa đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, chỉ đạo Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp trung cấp lý luận - chính trị, hành chính; liên kết với Trường Đại học Kinh tế Thái Nguyên, Đại học Luật Hà Nội mở các lớp đào tạo về kiến thức luật, quản lý kinh tế nông nghiệp... cho gần 30 cán bộ chủ chốt hoặc trong diện quy hoạch để nâng cao trình độ. Hiện nay, cơ bản đội ngũ cán bộ chủ chốt của 24 xã, thị trấn trên địa bàn đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn về lý luận chính trị; 100% số cán bộ có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên. Trong quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã bổ nhiệm lần đầu nhiệm kỳ 2020-2025, huyện yêu cầu phải có trình độ đại học.

Bên cạnh những giải pháp nêu trên, Huyện ủy Định Hóa còn quan tâm điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ cấp huyện về cơ sở để có thêm kỹ năng thực tiễn. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện luân chuyển 3 trường hợp là lãnh đạo phòng chuyên môn, đoàn thể xuống giữ vai trò chủ chốt cấp xã. Tuy số lượng luân chuyển còn ít nhưng đây đều là những cán bộ trong diện quy hoạch, được lựa chọn kỹ lưỡng. Qua quá trình rèn luyện thực tiễn, cơ bản cán bộ luân chuyển đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Chị Triệu Thị Nga, Chủ tịch UBND xã Phúc Chu nói: Tuy mới được điều động về cơ sở nhưng bản thân tôi thấy trưởng thành rất nhiều. Trước đây, ở Phòng Nông nghiệp và PTTN, tôi chủ yếu làm công việc chuyên môn, nay về cơ sở phải chịu trách nhiệm nhiều lĩnh vực hơn, có thêm nhiều kinh nghiệm, nhất là trong công tác dân vận.

Để hỗ trợ đội ngũ cán bộ cơ sở, từ nhiều năm nay, Thường trực Huyện ủy Định Hóa duy trì chế độ giao ban hằng tháng với bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND cấp xã; định kỳ hằng quý giao ban riêng với bí thư đảng ủy cấp xã. Ngoài nắm bắt, chỉ đạo và định hướng, lãnh đạo Huyện ủy cũng đặt ra những vấn đề thực tiễn để tìm biện pháp giải quyết. Đồng thời yêu cầu cán bộ cấp xã tăng cường đi sơ sở, cùng dự sinh hoạt và tháo gỡ khó khăn với các chi bộ, nhất là chi bộ nông thôn…

Hồng Tâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: