Góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm gần đây, các hộ người dân tộc Sán Dìu ở xóm Hồng Cóc, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) tích cực phát triển sản xuất, chế biến chè để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Ảnh: Cao Nguyên |
So với các huyện, thành, thị trong tỉnh, T.X Phổ Yên là địa phương có ít đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, với hơn 12 nghìn người trong tổng số dân trên 171 nghìn người, gồm 17 dân tộc: Sán Dìu, Sán Chay, Tày, Nùng, Dao, Ngái, Mường, Thái, Hoa, Cor, Ca Tu, Thổ, Châu Mạ, Xơ Đăng, Giáy, Kháng, Chăm. Đồng bào DTTS sinh sống chủ yếu ở các xã miền núi phía Tây của thị xã, như Thành Công, Vạn Phái, Minh Đức, Phúc Thuận...
Những năm qua, T.X Phổ Yên luôn xác định công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, Thị xã đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân thực hiện tốt các chính sách dân tộc, cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng khó khăn. Đến nay, đồng bào các DTTS trên địa bàn thị xã cơ bản đã có đủ đất sản xuất, không còn di dân tự do. Cùng với sản xuất lúa, bà con còn tích cực trồng cây ăn quả, trồng rừng, chè... để tăng thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bà Hoàng Thị Bé, dân tộc Tày, ở xóm Trường Giang, xã Vạn Phái, cho biết: Trước kia, mỗi năm gia đình tôi chỉ cấy hai vụ lúa, đủ thóc ăn quanh năm là mừng. Những năm gần đây, được cán bộ khuyến nông, khuyến lâm thường xuyên về tận nơi tuyên truyền, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nên gia đình tôi cũng như các hộ khác trong xóm đã biết cải tạo vườn tạp, khai hoang đồi bãi để trồng rừng, trồng chè, từ đó có thêm thu nhập, cuộc sống dần vơi bớt khó khăn, từng bước ổn định. Còn anh La Văn Hiên, dân tộc Sán Chay, ở xóm Đầm Ban, xã Phúc Thuận, chia sẻ: Ngoài trồng chè, gia đình tôi còn trồng thêm cây ăn quả (như nhãn, chuối...), nhờ đó mới có đủ điều kiện mua sắm các vật dụng sinh hoạt tiện ích, cho các con được học hành đến nơi đến chốn... Không chỉ giúp đỡ đồng bào vươn lên phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo, việc học tập của con em các hộ đồng bào DTTS ở T.X Phổ Yên cũng luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Các em được học tập, vui chơi, trau dồi kiến thức, phát triển toàn diện tại các nhà trường, không có em học sinh nào thuộc diện DTTS phải bỏ học giữa chừng.
Đồng chí Nguyễn Văn Tùy, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Phổ Yên cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, chúng tôi luôn kịp thời nắm bắt những ý kiến, kiến nghị của bà con để rà soát, bổ sung, sửa đổi những bất cập của các chính sách dân tộc cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, miền, từng dân tộc.Thường xuyên bám nắm cơ sở, bám sát địa bàn, thực hiện phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, phát huy vai trò của người cán bộ dân vận “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân vùng đồng bào DTTS. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp của thị xã luôn quan tâm chú trọng đến công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên, xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS thông qua việc lựa chọn, bồi dưỡng, giới thiệu cho tổ chức xem xét phát triển Đảng, làm cơ sở tạo nguồn cán bộ cốt cán vùng DTTS. Đến hết tháng 4 năm 2017, Đảng bộ đã kết nạp được 9 đảng viên là người DTTS. Hiện nay, trên địa bàn Thị xã có 135 cán bộ, giáo viên là người DTTS...
Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, làm tốt công tác dân vận, bà con DTTS ở Phổ Yên đều tin tưởng vào các chính sách của Đảng, an cư lạc nghiệp, chịu khó tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS đã giảm, hiện còn khoảng 17%; 85% các thôn, xóm vùng đồng bào DTTS đã có đường bê tông; 95% số hộ được dùng điện lưới Quốc gia; 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% các thôn, xóm được phủ sóng phát thanh, truyền hình và sóng điện thoại di động;100% xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông; 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS ở T.X Phổ Yên đang từng bước được cải thiện.