Khơi nguồn nội lực từ sự đoàn kết
Hằng tháng, người dân tổ dân phố 8, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) đều tổ chức phát quang hành lang và quét dọn các tuyến đường giao thông. |
Huy động đối ứng của nhân dân để cùng Nhà nước xây dựng các công trình tập thể là việc làm không mới, đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, chủ động đăng ký, đóng góp toàn bộ sức người, sức của để làm đường giao thông mà không cần sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước như ở tổ dân phố 8, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) thì không phải địa phương nào cũng làm được.
Tổ dân phố 8 có vị trí tương đối biệt lập, ngăn cách với trung tâm phường Thịnh Đán bởi tuyến kênh thủy lợi hồ Núi Cốc, với đặc thù một nửa là khu dân cư, nửa còn lại là Nghĩa trang Dốc Lim và Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh. Tổ có 120 hộ dân, chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống còn gặp không ít khó khăn. Năm 2018, Chi bộ có chủ trương đổ bê tông tuyến đường nối từ Nhà văn hóa qua khu dân cư đến đầu Nghĩa trang Dốc Lim (thuộc đường tỉnh 262). Ông Trần Mạnh Hải, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 8 cho biết: Tuyến đường chỉ dài 300m nhưng để đổ bê tông là việc không dễ. Tổ đã họp, thảo luận nhiều lần nhưng chưa triển khai được. Lần này, chúng tôi đặt quyết tâm rất cao, xác định là nhiệm vụ cấp bách và cũng là công trình chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập phường Thịnh Đán.
Để triển khai làm đường bê tông, Ban Vận động xây dựng đường dân sinh của tổ được thành lập gồm 10 người, do Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố là Tổ trưởng; thành viên là trưởng các đoàn thể và đại diện một số hộ dân. Một cuộc họp toàn thể khu dân cư được tổ chức để lấy ý kiến về dự thảo thiết kế, dự toán công trình từ đó xác định tổng kinh phí và mức đóng góp của mỗi hộ. Ông Hà Quốc Kính, Tổ trưởng tổ dân phố 8 chia sẻ: Triển khai đến bước này, chúng tôi gặp một vướng mắc khác. Đó là cấp trên chưa bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ… Sau khi bàn bạc, thống nhất, chúng tôi quyết định không chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước, mà chủ động phát huy nội lực từ nhân dân. Cán bộ, đảng viên gương mẫu đóng góp trước. Những người có xe tải, máy xúc thì ủng hộ việc san gạt, tạo mặt bằng; mỗi hộ cử người tham gia thi công để hạn chế đóng góp bằng tiền mặt. Riêng thành viên trong Ban Vận động, Ban Đầu tư giám sát cộng đồng đi làm việc tập thể hoàn toàn không tính ngày công, không dùng tiền tập thể để mua nước uống...
Nhờ cách làm phù hợp, toàn bộ người dân tổ dân phố 8 đều dồng thuận chủ trương làm đường. Bà Ngô Ngọc Nga tuy thuộc hộ nghèo, bản thân bị suy thận đã 6 năm nhưng sẵn sàng hiến 80m2 đất cho tập thể (giá trị khoảng 1,5 triệu đồng/m2), đồng thời vẫn đóng góp tiền theo định mức quy định chung. “Bản thân là đảng viên nên tôi thấy mình phải gương mẫu. Phần đất còn lại của khu vườn sẽ có giá trị hơn trước khi đường được mở rộng.” - Bà Nga nói. Với ông Vũ Văn Ba, ngoài là thành viên Ban Vận động và Giám sát công trình, ông còn gương mẫu đóng góp đối ứng trước và cho máy xúc giúp san gạt mặt bằng không lấy tiền công. Ông cho rằng: Thành công của công trình xuất phát từ chủ trương đúng, đáp ứng nhu cầu của người dân, cách vận động đóng góp phù hợp, công khai, minh bạch các khoản thu - chi và từng phần việc cụ thể. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo hoặc thuộc diện neo đơn dùđược miễn giả m nhưng vấn hăng hái góp công, góp của; 100% số hộ tham gia đối ứng. Công trình có kinh phí 300 triệu đồng, trong đó, giá trị đất hiến tặng và ngày công lao động là 180 triệu đồng.
Bà Lê Thị Thu An, Bí thư Đảng ủy phường Thịnh Đán cho biết: Không riêng tuyến đường 300m vừa hoàn thành, các công trình Nhà hóa, hệ thống chiếu sáng công cộng ở tổ dân phố 8 đều chủ yếu huy động từ nội lực. Chúng tôi đánh giá đây là mô hình có phương thức tuyên truyền, vận động và thực hiện rất hiệu quả, tạo sức lan tỏa và thúc đẩy phong trào thi đua giữa các tổ dân phố ở địa phương...