Góc khuất trong xây dựng nông thôn mới:
Kỳ 3: Ý nguyện từ cơ sở
Mặc dù là tỉnh có diện tích chè lớn thứ 2 cả nước, với gần 22 nghìn ha nhưng do sự liên kết từ việc trồng, chế biến và tiêu thụ còn hạn chế nên nhiều HTX chè hoạt động chưa hiệu quả. |
Việc tỉnh đặt mục tiêu hết năm 2020 có từ 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) cũng là nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tuy nhiên, việc quan tâm và đầu tư nguồn lực được cho là chưa tương xứng với yêu cầu thực tế đang khiến kết quả đạt được còn nhiều hạn chế, rất cần được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm để sớm có giải pháp khắc phục, giúp kết quả đạt được trong Chương trình xây dựng NTM của tỉnh thực chất, bền vững hơn.
Rà soát lại Bộ tiêu chí
Đó là một trong những vấn đề được cả người dân và lãnh đạo nhiều địa phương đề cập khi nói về giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong xây dựng NTM. Bởi trên thực tế, có nhiều tiêu chí hiện không còn phù hợp. Đơn cử như trong tiêu chí giao thông quy định, đường trục xóm và liên xóm chỉ cần có từ 60% trở lên được trải nhựa hoặc đổ bê tông hiện được cho là thấp, khiến diện mạo xã NTM kém khang trang, vì thế cần nâng lên đạt tối thiểu 90% đối với xã vùng một, 80% đối với xã vùng hai và vùng ba; hay như tiêu chí trường học, nếu để 70% thì 2/3 trường đạt chuẩn mới chỉ chiếm 67%, còn 70% thì có nghĩa là phải cả 3 trường cùng đạt (trung bình mỗi xã thường có 3 trường: mầm non, tiểu học, THCS)...
Lại có tiêu chí, nếu đem áp dụng chung cho các xã sẽ rất khó khả thi, mà cần tính đến đặc điểm vùng miền. Cụ thể là ở tiêu chí nhà ở, đối với những địa phương như Định Hóa, Võ Nhai, để cả xã với hàng nghìn hộ dân không còn nhà tạm, nhà dột nát là điều không hề đơn giản, vì đời sống của một bộ phận người dân nơi đây đến giờ vẫn còn rất khó khăn. Để thực hiện được chỉ tiêu này thì đi kèm với đó phải là cơ chế hỗ trợ nhiều hơn của Nhà nước, nếu không, thì nên quy định một tỷ lệ nhất định giống như tiêu chí hộ nghèo.
Hay như đối với tiêu chí tổ chức sản xuất, có nhất thiết phải có HTX hoạt động đúng quy định của Luật HTX năm 2012? Nếu đó là công ty, doanh nghiệp, thực hiện được việc liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người dân có được không? Tương tự ở tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, theo quy định xã phải có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em, người cao tuổi nhưng thực tế, hầu hết các xã hiện nay, kể cả những xã mới được công nhận, ngoài một khu đất trống, hoặc có chăng cũng chỉ làm sân đá bóng hay sân cầu lông thì hầu như chưa có xã nào lắp đặt được thêm thiết bị gì để đảm bảo theo quy định. Cũng vẫn trong tiêu chí này, quy mô nhà văn hóa nói chung chỉ quy định 80 chỗ ngồi (đối với xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn tối thiểu đạt 50 chỗ ngồi), trong khi trên thực tế, hầu hết các xóm, thôn, số lượng hộ dân thường từ 100-200 hộ, thậm chí là hơn. Vậy thì số diện tích, quy mô nhà văn hóa quy định như vậy có hợp lý? Đó là chưa nói đến việc tới đây, khi chính thức thực hiện việc sáp nhập các thôn, xóm theo Nghị quyết Trung ương 6, số hộ dân mỗi xóm sẽ tăng mạnh. Vậy phải giải bài toán nhà văn hóa xóm hiện nay ra sao?
Những giải pháp cụ thể
Thực tế cho thấy, có 2 vấn đề căn cốt mà xây dựng NTM phải hướng đến đó là thay đổi nếp sống và hình thức tổ chức sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều địa phương chưa thực sự coi trọng việc này, nên chưa có nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, đầu ra và giá cả ổn định. Đặc biệt là tình trạng manh mún của ruộng đất vẫn cơ bản chưa được khắc phục. Cũng chính vì thế, không thể hình thành được nền sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo nguồn cung ổn định cho doanh nghiệp, HTX.
Ở nội dung này, ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình phân tích: Sở dĩ nhiều địa phương không thể duy trì được 1-2 HTX hoạt động hiệu quả là vì điều kiện để hoạt động không có. Ngay đến chè, mặc dù tỉnh ta có diện tích lớn thứ 2 cả nước, nhưng để doanh nghiệp tìm được vùng nguyên liệu ổn định là không hề đơn giản nói gì đến những loại cây trồng khác. Chính vì thế, dồn điền đổi thửa được xem là một trong những giải pháp khắc phục hạn chế đó. Công việc này được huyện Phú Bình - đơn vị triển khai điểm của tỉnh thực hiện 2 năm nay, nhưng đến giờ, tỉnh vẫn chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể nên hiện huyện đang gánh khoản nợ hơn 30 tỷ đồng tiền đầu tư cơ sở hạ tầng. Chính vì thế, chưa thể nhân ra diện rộng cũng như triển khai ở các địa phương khác.
Còn theo ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, do các tiêu chí ngày càng được nâng cao nên đối với những xã đã về đích thì nay nhiều tiêu chí lại chưa đạt theo chuẩn mới. Do đó, để giúp các địa phương đủ điều kiện công nhận lại sau 5 năm, rất cần sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn của Nhà nước. Ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai thì cho rằng, cần cơ chế hỗ trợ đặc thù đối với các xã đặc biệt khó khăn trong xây dựng NTM, nhưng đồng thời cũng đề nghị xem xét lại cách hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay vì có một bộ phận người dân trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ đó nên không muốn thoát nghèo. Ngoài ra, bên cạnh những ý kiến đồng tình cho nợ tiêu chí nhưng trong một giới hạn cho phép, thì nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên công nhận những xã đã đạt chuẩn thực sự, không nên vì thành tích mà công nhận những xã dưới chuẩn. Bà Nguyễn Thị Nhị, xóm Phúc Thái, xã Lương Sơn (T.P Sông Công) lại đề nghị: Việc vận động đóng góp xây dựng NTM phải căn cứ vào nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, không huy động sức dân bằng mọi cách và chỉ triển khai xây dựng những công trình thật sự cần thiết.
Thay lời kết
Bất cứ quốc gia, dân tộc, hay một tỉnh, huyện, xã, thậm chí là cá nhân thì việc đề ra mục tiêu cho một giai đoạn hoặc một chương trình nào đó là điều hết sức cần thiết và cũng không hề đơn giản. Một mục tiêu thấp hoặc cao quá đều khó mang lại giá trị, hiệu quả. Thực tế chứng minh, có 3 yếu tố để đảm bảo cho một mục tiêu phù hợp, đó là tính thực tiễn, tính nhất quán và có kế hoạch khả thi cho mỗi mục tiêu trong đó bao gồm cả sự hỗ trợ cần thiết. Ở đây, chúng tôi cho rằng, việc Thái Nguyên đặt mục tiêu xây dựng NTM cao hơn hẳn mục tiêu chung của khu vực và cả nước ở một góc độ nào đó được cho là cần thiết, nhằm sớm giúp người dân vùng nông thôn có điều kiện vươn lên phát triển mọi mặt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, yếu tố "kế hoạch khả thi và sự hỗ trợ cần thiết" lại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bởi ngay đến những địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện Chương trình xây dựng NTM còn gặp không ít khó khăn, hạn chế thì với những huyện thuần nông, vùng cao, những khó khăn, vướng mắc này còn nhiều hơn gấp bội.
Người xưa vẫn có câu "Dục tốc bất đạt", ý nói "Nóng vội thì không thành công, không đạt được mục tiêu". Rất mong, cấp ủy, chính quyền các cấp nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, chính xác hơn về nhu cầu cũng như những khó khăn, thuận lợi của từng địa phương, từ đó có sự quan tâm, hỗ trợ phù hợp, để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thực sự vì người nông dân.
Ông Dương Xuân Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Sông Công: Để nâng cao hiệu quả trong xây dựng NTM, thì cần phải phát huy cao độ sự tham gia tự giác, tự nguyện của người dân. Một trong những giải pháp là đưa người dân đi tham quan các mô hình tiêu biểu về NTM để hình thành ý thức làm theo. Cùng với đó, chú trọng vận động nhân dân mở rộng đường, thay vì 3m thì phải từ 5-7m trở lên, có như vậy không chỉ giúp việc đi lại dễ dàng mà việc bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn mới có thể được thực hiện.
Ông Phạm Văn Sỹ, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ:Cần nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM. Tập trung công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ chủ trương, cơ chế chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi cá nhân, cộng đồng trong quá trình xây dựng NTM. Cùng với đó, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng NTM tỉnh: Trong thời gian tới, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM sẽ tham mưu cho tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai Chương trình ở các địa phương, nhất là về cơ chế, chính sách, cách thức sử dụng các nguồn ngân sách Nhà nước, cơ chế đặc thù, việc huy động nguồn lực của người dân và chất lượng thi công các công trình. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn NTM.