Làm gì để quản lý đảng viên toàn diện?
Kỳ II: Buông lỏng quản lý từ “hai chiều”
Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW tại Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế cần khắc phục. |
“Một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật dẫn tới phải thi hành kỷ luật, truy tố, nhận các bản án phạt tù trong thời gian vừa qua đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua những vụ việc trên cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ, đảng viên chính là sự buông lỏng quản lý từ cơ quan tới nơi cư trú...
Vi phạm pháp luật ngay trong giờ hành chính
Theo thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an T.P Thái Nguyên, trong vụ việc 8 cán bộ, đảng viên của Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên bị khởi tố về tội “đánh bạc”, các đối tượng Chúc Danh Giới, Nguyễn Xuân Đoàn không khai nhận là đảng viên. Xác minh tại địa phương nơi cư trú của 2 đối tượng thì chưa xác định được có phải đảng viên hay không. Qua xác minh tại Đảng bộ bộ phận Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên, cơ quan cảnh sát điều tra mới xác định được 2 đối tượng trên là đảng viên. Điều đáng nói nữa, trong 8 đối tượng bị khởi tố về tội “đánh bạc” có 2 đối tượng là Nguyễn Ngọc Nguyên, sinh năm 1981 đã có tiền sự về tội đánh bạc, ngày 15/12/2016 bị Công an T.P Thái Nguyên xử phạt hành chính 350 nghìn đồng; đối tượng Nguyễn Văn Chung, sinh năm 1960, tại bản án số 241/HSST ngày 18/10/2000 của Tòa án Nhân dân tỉnh xử phạt 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 48 tháng; Chung đã chấp hành xong và đã nộp tiền án phí ngày 20/01/2001.
Khi được hỏi lãnh đạo Nhà trường có biết 2 cán bộ, giáo viên của Trường trước đây đã từng bị xử phạt liên quan đến các vụ việc vi phạm pháp luật không, ông Trương Văn Biển, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên cho rằng: Nhà trường không hề biết 2 cá nhân trên từng vi phạm pháp luật đã bị các cơ quan chức năng xử phạt, chỉ đến khi Tòa án Nhân dân T.P Thái Nguyên xét xử công khai vụ án “đánh bạc” liên quan đến 8 cán bộ, giáo viên của Trường vừa qua, trong bản án nêu lên thì lãnh đạo Nhà trường mới biết. Điều đó cho thấy công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn nhiều kẽ hở. Kể cả khi cán bộ đó vi phạm các quy định của pháp luật trước khi được tuyển dụng nhưng khâu xác minh hồ sơ cán bộ có vấn đề. Vì không nắm chắc lý lịch tư pháp, lịch sử bản thân của cán bộ, nên những đối tượng trên “ngựa quen đường cũ” tiếp tục coi thường pháp luật vi phạm các quy định. Nhưng điều đáng nói hơn nữa là cả 3 vụ việc đánh bạc chúng tôi đề cập ở bài trước thì tất cả các vụ việc đều xảy ra vào giờ hành chính, điều đó càng cho thấy các cơ quan, đơn vị còn thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý cán bộ, đảng viïn.
Nói về 3 đảng viên vi phạm pháp luật, trong đó có 2 trường hợp bị truy tố về tội “đánh bạc”, 1 trường hợp bị truy tố về tội “làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, ông Bùi Mạnh Cường, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Thái Nguyên xót xa: Cả 3 cán bộ, đảng viên tuổi đời còn rất trẻ, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1980, ít tuổi nhất sinh năm 1986, trong đó có Dương Quốc Hưng, sinh năm 1982 là Chi ủy viên, Phó Phòng nghiệp vụ dạy nghề. Trước khi xảy ra vụ việc trên, cả 3 đồng chí đều có sự phấn đấu nỗ lực nhất định trong công tác, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Khi xảy ra vụ việc, chúng tôi cũng chỉ biết báo cáo lên cấp trên, xin ý kiến chỉ đạo và chờ kết luận của cơ quan pháp luật mới tiến hành các bước tiếp theo, trước mắt đã đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với 3 đảng viên.
Quản lý đảng viên theo Quy định số 76-QĐ/TW còn nhiều lỏng lẻo
Những năm qua, theo Quy định số 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú, nhiều chi ủy, chi bộ đảng tại các khu dân cư cũng đã thể hiện rõ trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra đảng viên thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ ở nơi cư trú. Việc quản lý cán bộ, đảng viên cả hai chiều đã mang lại kết quả tích cực, tăng cường mối quan hệ giữa đảng viên của đơn vị đang công tác với chi ủy, đảng ủy cơ sở nơi cư trú.
Tuy nhiên, thực tế ở cơ sở chúng tôi nhận thấy ở nhiều nơi việc tổ chức sinh hoạt theo Quy định số 76 còn nặng tính hình thức, chưa thực chất. Nhiều cấp ủy nơi đảng viên công tác thường chỉ giới thiệu đảng viên về sinh hoạt, nhưng không có liên hệ với chi ủy khu dân cư; ít quan tâm, lắng nghe ý kiến đánh giá của người dân nơi cư trú đối với đảng viên. Bên cạnh đó, một số tổ chức đảng và đảng viên do chưa nhận thức đầy đủ về Quy định số 76 nên trong sinh hoạt còn nặng tính hình thức. Không ít đảng viên xem sinh hoạt như bắt buộc, gò ép... nên thờ ơ với những vấn đề bức xúc ở địa phương. Theo quy định thì định kỳ hằng năm (quy định 2 lần vào giữa và cuối năm) cấp ủy cơ sở gặp gỡ đảng viên đương chức để thông báo tình hình ở địa phương, nghe đảng viên góp ý... Đây được xem như một buổi sinh hoạt đảng giữa cơ sở và đảng viên cư trú. Tuy nhiên, cuộc họp này ở nhiều nơi mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Hầu như đảng viên đến dự để nghe, ít khi có phát biểu vì thực tế bản thân không quan tâm nắm bắt tình hình ở địa phương hoặc không muốn phát biểu kéo dài cuộc họp, mất thời gian. Rồi cuối cùng là dịp "lâu lâu mới gặp" nên mời nhau hoặc góp tiền cùng đi liên hoan giao lưu (nhất là các buổi gặp cuối năm). Do đó, cái gì đọng lại của các cuộc họp thì chỉ những người trong cuộc mới biết được chính xác nhất.
Theo ông Nguyễn Đình Đường, Bí thư Chi bộ tổ 18, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên): Hiện nay, vẫn còn một số đảng viên sinh hoạt theo Quy định số 76 tham gia các cuộc họp chưa đầy đủ. Vì thế, khi nhận xét cuối năm đối với các đảng viên này, chúng tôi đều gặp trực tiếp để tham gia, góp ý, thống nhất nhắc nhở để rút kinh nghiệm.
Chưa kể, một số cấp ủy nơi đảng viên cư trú còn nể nang, nhận xét chưa sát với tình hình thực tế đảng viên tham gia sinh hoạt và chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như quy định của địa phương. Khi có yêu cầu lấy ý kiến chủ yếu vẫn ghi chung chung như: Chấp hành tốt, tham gia tích cực; nhược điểm thì nêu sơ qua, không ghi vào văn bản những phát hiện tiêu cực, bất minh, nên việc đánh giá chất lượng đảng viên chưa cao.
Ông Trịnh Văn Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên): Theo gợi ý của Ban Thường vụ Thành ủy, cá nhân tôi và tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã kiểm điểm nghiêm túc vai trò của người đứng đầu chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định, quy chế làm việc; còn chủ quan, tin tưởng cấp dưới nên đã để tình trạng từ tháng 1-2016 đến tháng 12-2017, UBND xã không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện cho một số cán bộ, công chức xã với tổng số tiền gần 173 triệu đồng. Đồng thời, thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ với UBND xã trong quản lý đất công dẫn tới việc cán bộ xóm Chợ tự ý giao khoán 6.641m2 diện tích đất công cho 6 hộ dân sử dụng để thu tiền làm nhà văn hóa.
Bác Nguyễn Đức Diện, Bí thư Chi bộ tổ 20, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên): Việc phối hợp giữa cấp ủy quản lý đảng viên và cấp ủy khu dân cư còn thiếu chặt chẽ; cơ quan nào có trách nhiệm cao mới cử người trực tiếp liên hệ với nơi cư trú của đảng viên để giới thiệu sinh hoạt theo Quy định số 76-QĐ/TW, còn hầu hết các cơ quan đều để đảng viên tự liên hệ. Vì thế mới xảy ra tình trạng khi chuyển sinh hoạt về nơi cư trú cơ quan gửi giấy tờ rất đầy đủ, nhưng khi đảng viên đó chuyển công tác, nơi ở cũng không báo cáo lại cấp ủy chi bộ nơi cư trú nên việc nhận xét gửi về nơi công tác không chính xác.
Đồng chí Dương Trường Giang, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh: Một trong những hạn chế tồn tại hiện nay là cấp ủy các cấp chưa thực sự coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng; cách thức tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt, giáo dục cán bộ, đảng viên còn chậm được cải tiến, đổi mới, nội dung học tập, cách thức tuyên truyền đến từng đối tượng chưa sát tình hình thực tiễn. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát còn chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng chưa cao hoặc năng lực của cán bộ lám công tác này còn hạn chế nên còn lúng túng trong xem xét, xử lý vi phạm; báo cáo với cấp trên còn mang tính đối phó, ào ào…
(Còn nữa)