Phát triển Đảng trong thanh niên nông thôn
Anh Lương Quốc Hùng hướng dân người dân và ĐVTN trong xã phát triển mô hình nuôi ốc nhồi, đến nay đã có gần 100 hộ trên địa bàn xã Thượng Nung (Võ Nhai) có thu nhập từ nuôi ốc nhồi. |
Những năm gần đây, phong trào đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) phát triển kinh tế tại địa phương không chỉ giúp cho nhiều ĐVTN có công ăn việc làm, vươn lên làm giàu chính đáng mà còn hạn chế được tình trạng rời quê đi làm ăn xa. Và đây đang được coi là một trong những giải pháp quan trọng trong tạo nguồn phát triển đảng viên là ĐVTN.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Liễu Văn Hải, dân tộc Sán Dìu, sinh năm 1990, xóm Ba Phượng, xã Nam Hoà (Đồng Hỷ) học tiếp mà đi lao động tự do tại nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Năm 2012, anh quyết định phát triển kinh tế tại địa phương với việc chăn nuôi lợn nái. Những năm đầu anh nuôi với quy mô nhỏ từ 5-10 con, sau dần mở rộng chuồng trại và chăn nuôi với quy mô lớn hơn. Đến nay trang trại của anh luôn có từ 20-30 con lợn nái và trên 100 con lợn thịt/lứa. Cùng với phát triển chăn nuôi, gần 2 năm nay, anh còn đầu tư sản xuất các trang thiết bị phục vụ cho các trang trại chăn nuôi lợn, gà. Anh Hải cho biết: Tận dụng diện tích đất của gia đình lớn, lại nằm xa khu dân cư nên tôi quyết định đầu tư chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, mấy năm trước, việc chăn nuôi của gia đình gặp không ít khó khăn do phải đối mặt với dịch tả châu Phi, giá cả xuống thấp. Có thời điểm tôi đã định “treo chuồng” và chuyển sang nghề khác nhưng nhờ sự động viên của anh em, bạn bè tôi tiếp tục duy trì chăn nuôi lợn. Nhờ nỗ lực của bản bản thân, mô hình của anh Hải đã đem lại thu nhập cho anh mỗi năm trên dưới 300 triệu đồng.
Cũng như anh Hải, từ mô hình nuôi ốc nhồi đã đem về thu nhập cho anh Lương Quốc Hùng, sinh năm 1991, dân tộc Tày, ở xóm Trung Thành, xã Thượng Nung (Võ Nhai) mỗi năm trên 70 triệu đồng. Anh Hùng chia sẻ: Nhận thấy nhiều nơi bà con nuôi ốc mang lại thu nhập cao, tôi đã quyết định đi tham quan, học hỏi ở một số nơi và học trên mạng Internet về cách nuôi ốc. Đồng thời, cải tạo 6 sào ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi ốc. Nuôi ốc nhồi đầu tư vốn ít lại dễ nuôi chỉ cần nguồn nước đảm bảo không bị ô nhiễm và luôn duy trì mực nước trên 50cm là được. Còn thức ăn thì khá phong phú như các loại rau, củ, quả, bèo, lá cây... là những loại sẵn có tại địa phương.
Song song với phát triển kinh tế gia đình, anh Hải, anh Hùng còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội tại địa phương. Đồng thời tham gia vận động nhiều đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia các chương trình, hoạt động do các cấp, ngành tổ chức; thành lập và đứng đầu câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế để giúp các ĐVTN có nơi giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, tìm hướng làm ăn hiệu quả, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình thanh niên tham gia phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao tại địa phương. Nhờ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, nhiệt huyết trong các phong trào của địa phương mà anh Hải, anh Hùng đã trở thành những quần chúng ưu tú và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Đồng chí Ngô Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: ĐVTN là một trong nguồn quan trọng trong phát triển Đảng tại khu vực nông thôn nhưng hiện nay việc tạo nguồn kết nạp đảng viên trẻ vẫn gặp không ít khó khăn do thanh niên sau khi học xong chọn đi làm tại các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh. Do đó, việc tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương được coi là giải pháp quan trọng trong công tác phát triển Đảng. Những năm qua, tỉnh đoàn đã có nhiều hoạt động liên quan đến việc hỗ trợ các ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương bằng các hình thức như: Tổ chức cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ thành lập các hợp tác xã thanh niên; thành lập các câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế... Các hội, câu lạc bộ ngoài việc hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hội viên còn giúp đỡ các ĐVTN nông thôn phát triển kinh tế như quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, đã có nhiều ĐVTN mạnh dạn phát triển kinh tế, tạo được việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đây là những gương mặt ưu tú để bồi dưỡng, rèn luyện, xem xét, giới thiệu cho Đảng.
Nhờ đó, ngày càng có nhiều ĐVTN tại khu vực nông thôn được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm 2018, toàn tỉnh đã kết nạp được 1.562 / 4.133 đoàn viên ưu tú vào Đảng; năm 2019, kết nạp Đảng cho 2.075 / 4.437 đoàn viên ưu tú; năm 2020, kết nạp Đảng cho 2.073 / 4.425 đoàn viên ưu tú.