An toàn trong tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ
Thái Nguyên đang triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho người từ 12 đến 17 tuổi. Ảnh T.L |
Cùng với cả nước, Thái Nguyên vừa bắt đầu chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 cho học sinh từ 12-17 tuổi. Dự kiến, số lượng trẻ đủ điều kiện tiêm là trên 100 nghìn, thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 12-2021 và trong năm 2022.
Thực tế, tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe, giúp hệ miễn dịch nhận biết và sẵn sàng chống lại vi-rút SARS-CoV-2 nếu chúng xâm nhập vào cơ thể. Đồng thời giúp bảo vệ những người xung quanh.
Người được tiêm vắc-xin đầy đủ ít có khả năng bị lây nhiễm bệnh, nếu không may bị nhiễm bệnh thì tỷ lệ trở nặng cũng rất thấp.
Theo lãnh đạo Sở Y tế, việc tiến hành tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em là rất cần thiết, để các em có thể trở lại trường học bình thường; góp phần tăng độ bao phủ miễn dịch cộng đồng.
Tuy nhiên, một vấn đề rất được dư luận, nhất là các bậc cha mẹ quan tâm chính là việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19.
Trước tiên, cần nhấn mạnh là theo quy định, việc tiêm vắc-xin cho trẻ em phải có sự chấp thuận của cha mẹ hoặc người giám hộ thông qua việc ký phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu do Bộ Y tế ban hành. Cha mẹ cũng phải là người hỗ trợ bên cạnh trẻ sau khi tiêm, nhất là thường xuyên kiểm tra thân nhiệt, đảm bảo ăn đủ chất dinh dưỡng và kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có biểu hiện bất thường về sức khoẻ.
Theo các chuyên gia y tế, trẻ em từ 12 tuổi đã có cơ thể tương đối phát triển và phản ứng sau tiêm vắc-xin hầu như không khác biệt so với người lớn. Quan trọng nhất là việc khám sàng lọc trước tiêm vắc-xin phòng COVID-19 để có được chỉ định chính xác, đảm bảo tiêm an toàn, đúng đối tượng; kịp thời phát hiện những trường hợp chống chỉ định hoặc tạm hoãn.
Để đảm bảo an toàn tiêm chủng cần tập trung vào 3 vấn đề: Chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ và người giám hộ, cũng như các phương án để tiêm an toàn ngay tại trường học; chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước, trong khi tiêm và cuối cùng là làm tốt công tác theo dõi sau tiêm.
Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh: Cần đặc biệt lưu ý tới việc theo dõi sau tiêm, phát hiện các phản ứng bất thường và đưa đến cơ sở y tế sớm.
Cuối tháng 10-2021, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến cho 63 tỉnh, thành phố hướng dẫn triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi.
Đối với Thái Nguyên, việc tập huấn hướng dẫn triển khai tiêm tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em đã được thực hiện kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình tiêm và sau tiêm. Các địa điểm tiêm chủng cho trẻ đã chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đảm bảo công tác tiêm chủng và phòng, chống dịch COVID-19.
Việc thành lập các đội phản ứng nhanh để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình tiêm chủng tại các điểm tiêm nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh sau khi tiêm cũng đã được quan tâm để đảm bảo cấp cứu kịp thời cho trường hợp tai biến sau tiêm chủng nếu có.