Cách xử trí khi gặp người sốc ma túy đá

Cập nhật: Thứ ba 18/09/2018 - 07:35

Hiểm họa của ma túy đá đã được nói rất nhiều, thế nhưng chỉ vì vui một phút mà bỏ lỡ cả một tương lai phía trước. Tác hại thật sự của ma túy ra sao và khi sốc ma túy thì cơ thể sẽ như thế nào?, Phải làm gì khi gặp người sốc ma túy đá?

Theo các bác sĩ, nếu sử dụng ma tuý đá với hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc. Thời gian xuất hiện triệu chứng: sau uống là 1 giờ, trong vòng vài phút với đường tiêm. Thời gian tác dụng kéo dài 2 tới 12 giờ với liều thông thường, nếu dùng liều lớn có thể kéo dài tới 48 giờ.

Ma túy đá tác dụng lên các cơ quan, nếu dùng ma túy mức độ nhẹ sẽ tạo ra cảm giác sảng khoái, nói nhiều, tăng tự tin, thích giao tiếp, cảm giác khỏe khoắn, tăng khoái cảm.

Nếu sử dụng liều cao gây kích thích không yên, vã mồ hôi, run tay chân, tăng thân nhiệt. Nếu nặng trên tình trạng kích thích thì bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng ngộ độc, nhịp tim và huyết áp tăng; tăng thân nhiệt; giãn đồng tử; thở nhanh; khô miệng và khó nuốt, nếu nặng có thể gây tình trạng mất nước và sốt cao... bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Nguyên nhân của sốc ma tuý đá thường do lượng ma tuý dùng và đặc biệt là độ tinh chế của loại thuốc đó. Nếu thuốc đó có độ tinh chế cao hơn thì nguy cơ ngộ độc ít hơn. Còn ma tuý đá có độ tinh chế thấp, nhiều tạp chất thì nguy cơ ngộ độc cao hơn bởi các tạp chất này không ai biết là gì, không kiểm soát được.

Ngoài ra, nguy cơ ngộ độc ma túy đá cũng xảy ra ở từng người vì ma tuý còn theo cơ chế dung nạp của mỗi người. Có thể cũng cùng loại thuốc đó nhưng có người ngộ độc có người không, bởi nó tuỳ thuộc vào người đó sử dụng lần đầu hay sử dụng nhiều lần. Người sử dụng mới bao giờ nguy cơ sốc cũng cao hơn người dùng nhiều lần.

Hiện nay chưa có thống kê về sốc ma tuý đá nhưng ghi nhận tại các cơ sở y tế, bệnh viện trong cả nước thì có nhiều trường hợp sốc ma tuý đá phải nhập viện điều trị, có những bệnh nhân nặng rơi vào ngộ độc và có thể tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy người bệnh có biểu hiện khó thở, co giật, hôn mê, thì nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu kích thích, vật vã, hung hãn: không để bệnh nhân ngã, va đập, lấy hết các vật dụng sắc nhọn, hung khí ra khỏi người bệnh nhân, để bệnh nhân xa các vật sắc nhọn, xa các khu vực có thể dễ ngã. Trong lúc chờ xe cấp cứu nên để bệnh nhân nằm nghiêng để tránh chất nôn tràn vào đường thở. Làm thông đường thở : ngửa đầu ra phía sau, nâng nhẹ hàm trước, nếu có nôn thì dùng ngón tay để móc chất nôn ra làm thông đường thở.

T.H
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: