Cần kiểm soát các bệnh mãn tính cho người nhiễm HIV

Cập nhật: Thứ sáu 03/07/2020 - 11:14
 Người nhiễm HIV cần được quan tâm, kiểm soát các bệnh mãn tính. Ảnh AFP
Người nhiễm HIV cần được quan tâm, kiểm soát các bệnh mãn tính. Ảnh AFP

HIV có thể không còn là án tử như 20-30 năm trước, nhưng người nhiễm HIV vẫn có cuộc sống ngắn hơn so với người không nhiễm bệnh, kể cả khi được điều trị bằng thuốc khiến virus không thể phát hiện được.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy những người dương tính với HIV ở tuổi 21 có tuổi thọ trung bình là 56 tuổi - ít hơn 9 năm so với những người không có virus. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể là do hệ thống miễn dịch yếu hơn và nguy cơ cao hơn đối với các vấn đề sức khỏe mãn tính khác, ngay cả khi HIV được kiểm soát.

Bác sĩ Julia Marcus đến từ Đại học Harvard, tác giả nghiên cứu, cho biết: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy những người nhiễm HIV được bắt đầu điều trị sớm có tuổi thọ ngày càng gần với người không nhiễm HIV, nhưng chúng ta cần chú ý hơn đến việc ngăn ngừa các bệnh đi kèm ở những người này".

Sự ra đời của liệu pháp điều trị kháng retrovirus HAART năm 1996 là một bước ngoặt lớn. Khi được sử dụng hàng ngày, thuốc có thể ức chế virus đến mức không thể phát hiện, giữ cho bệnh nhân khỏe mạnh và loại bỏ nguy cơ lây truyền qua đường tình dục. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ khuyên bệnh nhân nên bắt đầu HAART ngay sau khi chẩn đoán nhiễm HIV.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học tìm hiểu về khoảng cách tuổi thọ giữa những người nhiễm HIV và những người không mắc bệnh, đã xem xét lịch sử bệnh và tử vong được rút ra từ hồ sơ của gần 430.000 người từ năm 2000 đến 2016. Khoảng 39.000 người dương tính với HIV và gần chín trong số 10 bệnh nhân này là nam giới (tuổi trung bình: 41).

Các nhà nghiên cứu tập trung vào hai thời điểm từ 2000 đến 2003 và 2014 đến 2016. Trong giai đoạn đầu tiên, tuổi thọ của một người 21 tuổi nhiễm HIV là 38 tuổi. Ở người không nhiễm bệnh, tuổi thọ trung bình là 60.

Vào năm 2014, khoảng cách đó đã thu hẹp đáng kể: Một người 21 tuổi bị nhiễm HIV có thể sống đến 56 tuổi, so với 65 tuổi đối với người trưởng thành không bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn khoảng cách 9 năm.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng nó chỉ thu hẹp một chút khi họ đánh giá những người 21 tuổi dương tính với HIV đang dùng HAART trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2016. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra tỷ lệ mắc 6 bệnh mãn tính, bao gồm: Bệnh tiểu đường, ung thư,  bệnh gan, thận, phổi hoặc tim.

Những phát hiện này rất có ý nghĩa: Từ năm 2000 đến 2003, một người 21 tuổi nhiễm HIV ít có khả năng mắc các bệnh này cho đến khi 32 tuổi (so với 47 tuổi ở người trưởng thành không bị nhiễm bệnh). Từ năm 2014 đến 2016, bệnh nhân nhiễm HIV ít có khả năng mắc các bệnh này cho đến khi 36 tuổi - sớm hơn 16 tuổi so với nhóm không nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, khi nhóm nghiên cứu chỉ tập trung vào các bệnh nhân HIV được điều trị bằng HAART, khoảng cách này đã giảm xuống còn 9 năm.

"Phát hiện của chúng tôi cho thấy những người nhiễm HIV được bắt đầu điều trị sớm đang tiến gần đến tuổi thọ như những người không nhiễm HIV, nhưng chúng ta cần chú ý hơn trong việc ngăn ngừa bệnh đi kèm ở những người nhiễm HIV", Marcus nói.

Bà Marcus cũng lưu ý rằng, bệnh nhân nhiễm HIV có nhiều khả năng tham gia vào các hành vi nguy hiểm như hút thuốc và sử dụng ma túy bất hợp pháp. Tuy nhiên,  tác nhân chính có khả năng là sự kích hoạt miễn dịch hoặc phản ứng viêm do bị nhiễm virus mãn tính. HAART làm giảm cả hai điều này. Đó có thể là lý do tại sao điều trị sớm giúp bệnh nhân sống thọ hơn và khỏe mạnh hơn.

Mặc dù HAART vừa cứu mạng bệnh nhân, vừa giúp bệnh nhân sống thọ hơn, nhưng kết quả của nghiên cứu này nhấn mạnh, bệnh nhân và bác sĩ cần thận trọng trong việc ngăn ngừa, chẩn đoán và kiểm soát các bệnh mãn tính khác ở những bệnh nhân nhiễm HIV.


Theo Tiengchuong.vn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: