Đã có 40 người tử vong, Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh dại
Tiêm phòng dại cho chó, mèo là một trong những biện pháp giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh dại trong cộng đồng. Ảnh: T.L |
Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã có 40 người tử vong vì bệnh dại. Dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Trước tình hình đó, Bộ Y tế vừa ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại.
Trong văn bản, Bộ Y tế nêu rõ: Bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm, trên thế giới có trung bình 60.000 ca tử vong do dại. Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012-2016.
Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Trong đó, tỉnh Bến Tre có 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021), tỉnh Kiên Giang có 5 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca) và tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không ca tử vong)…
Bộ Y tế phân tích nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc-xin. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.
Cụ thể, theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỷ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp.
Nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người tại các khu vực nói trên và lây lan sang các khu vực khác là rất lớn.
Trước tình trạng đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn.
Trong đó, tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc-xin dại kịp thời.; tăng cường truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.
Bên cạnh đó, Sở Y tế các tỉnh, thành cũng được yêu cầu tăng cường tiếp cận của người dân với vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại trên người; tiếp tục mở rộng và tăng cường các điểm tiêm vắc-xin phòng dại để đảm bảo ít nhất một huyện/thị xã có một điểm tiêm.
Đối với các tỉnh có nguy cơ cao, thành lập thêm các điểm tiêm vắc-xin phòng dại tại tuyến xã để tăng tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại sau phơi nhiễm (nếu cần thiết).
Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành giám sát và xử lý ổ dịch dại trên động vật, kịp thời chia sẻ thông tin để Sở Y tế chủ động phòng chống lây nhiễm sang người.
Đồng thời tăng cường truyền thông cho người nuôi chó, mèo các biện pháp đảm bảo an toàn cho người ở các khu vực công cộng, tránh để trường hợp chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng; truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật để tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin lên ít nhất 70% tổng đàn.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xem xét miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí tiêm vắc-xin phòng dại sau phơi nhiễm cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người tham gia phòng chống dịch dại ở những vùng có nguy cơ cao.