Đấu tranh phòng, chống ma túy - Còn nhiều nỗi lo

Cập nhật: Thứ bẩy 03/03/2018 - 16:42
 Người nghiện ma túy uống Methadone có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ y tế và gia đình tại Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện tự nguyện tỉnh.
Người nghiện ma túy uống Methadone có sự giám sát chặt chẽ của cán bộ y tế và gia đình tại Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện tự nguyện tỉnh.

Tin vui đầu Xuân với các địa phương của T.P Thái Nguyên là đối tượng nghiện ma túy giảm, không phát sinh mới, điều đó đã góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy nhiên, như vậy chưa phải đã hết lo và vẫn còn tiềm ẩn khó khăn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như làm trong sạch địa bàn về ma túy.

“Đợi bố cháu về, cháu cùng bố đi xe máy lên trạm y tế phường test nhanh. Các chú, bác yên tâm, cháu chấp hành, có gia đình đi cùng cho khách quan. Bảo đảm cháu không dùng và không nghiện…”. Đợi hết ấm trà vẫn chưa thấy người thân về, Thắng đề xuất: “Để cháu chạy ra đầu ngõ gọi bố về, chắc bố cháu đi chợ mua rau, gặp người thân đầu Xuân vui chuyện nên về muộn”. Tổ công tác liên ngành đồng ý đề xuất của Thắng. 30 rồi 50 phút trôi qua không thấy Thắng quay về, Ông Đặng Văn Thành, bố của Thắng về đến nhà biết chuyện thốt ra mấy câu như tuyệt vọng: “Các anh lại bị nó lừa rồi, giờ thì biết khi nào nó về. Nó về tôi báo các anh liền”. Ông Trần Thanh Bình, Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) kể lại với chúng tôi câu chuyện vừa diễn ra trong đợt rà soát, kiểm tra đối tượng nghiện ma túy trong diện địa phương quản lý Đội công tác vừa thực hiện. Ông Bình cho biết thêm: “Mỗi lần tổ chức lực lượng như vậy không phải tập hợp dễ dàng và đầy đủ, vì mỗi người đều có kế hoạch công tác riêng. Cũng có những trường hợp khi Tổ công tác đến nơi cư trú, gia đình nhất quyết bao che, tìm cách giấu đối tượng. Hoặc có trường hợp test nhanh có phản ứng dương tính với ma túy, nhưng khi làm xong hồ sơ đưa đi xét nghiệm sau đó, hẹn ngày đến cơ quan chuyên môn xét nghiệm lại thì cho kết quả âm tính và đồng nghĩa với việc không thể đưa vào diện đi cai nghiện tại cộng đồng… Nhưng dư luận xã hội thì vẫn cho rằng đó là đối tượng có sử dụng, tàng trữ ma túy… Chính vì vậy công tác kiểm soát, quản lý và đấu tranh với tệ nạn ma túy phải rất kiên trì, cẩn trọng và có sự tham gia cộng tác của gia đình, xã hội mới hiệu quả.

Theo báo cáo của UBND phường Tân Thịnh, trong năm 2017, đối tượng nghiện ma túy trong diện quản lý của địa phương giảm từ 60 xuống còn 53, không phát sinh mới. Đặc biệt, trong số 40 đối tượng được test nhanh thì chỉ còn 14 người có phản ứng dương tính với ma túy. Đồng chí Trịnh Xuân Luyện, Chủ tịch UBND phường cho biết: Mặc dù địa phương đã thực hiện tốt việc quản lý hành chính đối với công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, nhưng không phải đã hết lo. Bởi lẽ, trước đây, để đưa các đối tượng bắt buộc vào trại cai nghiện, công an chỉ cần test nhanh, sau đó làm các thủ tục theo Nghị định 135/2004 rất đơn giản. Nhưng hiện nay, thực hiện theo Nghị định 221/2013, thủ tục phức tạp hơn. Theo quy trình, ban đầu cơ quan cấp xã, phường phải làm thủ tục, chuyển đi xác định tình trạng nghiện, qua phòng tư pháp thẩm định hồ sơ, chuyển qua phòng Lao động, Thương binh và Xã hội hoàn thành các thủ tục, rồi trình qua toà án mới ra quyết định, cả quá trình qua 5 cơ quan mất khá nhiều thời gian.

Chia sẻ những nguy cơ tiềm ẩn tái nghiện và kiểm soát hoạt động sử dụng, tàng trữ, mua bán các chất ma túy, ông Trần Nam Thái, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Năm 2016, phường có trên 80 đối tượng trong diện hồ sơ quản lý liên quan đến sử dụng, nghiện ma túy, sang năm 2017 giảm xuống còn 70 đối tượng, nhưng thực chất có một số đối tượng đang phải thi hành án giam giữ, một số không có mặt và cư trú tại địa bàn thường xuyên, nên số liệu giảm nhưng chưa chắc đã phản ánh đúng tình trạng cai nghiện ma túy thành công và mang tính bền vững như mong muốn. Thực tế tiếp cận người nghiện ngoài cộng đồng cũng rất khó vì đa số người nghiện hiện nay đi làm ăn xa, khi tổ công tác tiếp cận để tư vấn, giúp đỡ rất khó gặp được họ. Còn khi vận động người nghiện tham gia cũng rất khó, do phần lớn họ còn mặc cảm, tự ti.

Có thể thấy, thực tế công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và cai nghiện tại các địa phương còn rất phức tạp. Nếu như không có sự phát giác, tố cáo và can thiệp từ gia đình, người thân, khu dân cư thì hoạt động sử dụng, tàng trữ, buôn bán và phát sinh người nghiện cũng như tái nghiện ma túy còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh.

Trinh An
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: