Dự án Quỹ toàn cầu: Tác động giảm mạnh dịch HIV/AIDS
Hội nghị triển khai Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018-2020. Ảnh: Thùy Chi |
Tính đến hết năm 2017, Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS (dự án Quỹ toàn cầu) đang hỗ trợ điều trị cho gần 50.000 bệnh nhân HIV/AIDS tại 30 tỉnh, thành phố và cung cấp thuốc điều trị đặc hiệu ARV cho 100% bệnh nhân trẻ em tại 63 tỉnh, thành phố (khoảng 4.800 trẻ em), đóng góp từ 40% - 48% số bệnh nhân điều trị ARV trên cả nước.
Viện trợ hơn 170 triệu USD cho công tác phòng, chống HIV/AIDS
GS. TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Giám đốc Ban Quản lý các dự án Hỗ trợ Phòng chống HIV/AIDS cho biết, trải qua chặng đường 16 năm, Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS đã viện trợ cho Việt Nam hơn 170 triệu USD, trong đó riêng giai đoạn NFM (01/7/2015-31/12/2017) là hơn 52 triệu USD để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS.
Dự án Quỹ toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS bắt đầu Dự án Vòng 1 (năm 2001) cho đến khi kết thúc giai đoạn Mô hình viện trợ mới (New Funding Model) năm 2017.
Trong giai đoạn 2015-2017, Dự án đã cung cấp gần 2 triệu sinh phẩm xét nghiệm HIV (trong đó bao gồm hơn 1,8 triệu sinh phẩm sàng lọc và gần 200.000 sinh phẩm khẳng định) để triển khai hoạt động xét nghiệm HIV tại 30 tỉnh, thành phố, với tỷ lệ dương tính là 2,3%.
Hàng năm, số lượng phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV của dự án đóng góp khoảng 15-20% số lượng trên cả nước, góp phần khống chế tỷ lệ ước tính số trẻ em nhiễm HIV được sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV trong 12 tháng qua dưới 5%. Toàn bộ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV suốt đời. Năm 2017, Dự án tiếp cận can thiệp được gần 17.000 người nghiện chích ma túy và gần 6.000 phụ nữ bán dâm, đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu cam kết với nhà tài trợ.
Trong giai đoạn này, dự án cũng đã cung cấp cho các tỉnh, thành phố gần 90 triệu bơm kim tiêm 03 ml, hơn 50 triệu bơm kim tiêm 01 ml, hơn 70 triệu bao cao su phát miễn phí, 43 triệu bao cao su tiếp thị xã hội, 58 triệu ống nước cất và nhiều vật phẩm khác.
Năm 2017, Dự án đã điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho gần 24.000 bệnh nhân, đạt hơn 100% chỉ tiêu của cả năm. Hoạt động lồng ghép Lao/HIV cũng được triển khai toàn bộ tại 30 tỉnh, thành phố và đến hết năm 2017 đã xét nghiệm được hơn 60.000 bệnh nhân lao, đạt 80% chỉ tiêu với tỷ lệ dương tính là 3,9%.
Dự án đã hỗ trợ các lớp tập huấn liên quan đến lồng ghép Lao/HIV, điều trị và chăm sóc, cấp phát thuốc xã, phường, sử dụng phần mềm quản lý bệnh nhân, xét nghiệm khẳng định, xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tải lượng virus, theo hình thức đào tạo giảng viên tuyến tỉnh và chuyển kinh phí và tài liệu tập huấn cho các tỉnh triển khai tập huấn cho tuyến huyện.
Cải thiện các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng
Trong khi nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm mạnh, cùng với những thay đổi về chính sách và định hướng triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong nước, Quỹ toàn cầu cũng có nhiều thay đổi về chính sách tài trợ gây khó khăn đáng kể cho hoạt động của Dự án như: Không hỗ trợ nhân sự tham gia dự án tại địa phương, hạn chế kinh phí dành cho đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ y tế tại cơ sở… Tuy nhiên, để đối mặt với những khó khăn thách thức đó, nhiều địa phương đã có những giải pháp kịp thời để tìm kiếm, huy động các nguồn lực tại địa phương nhằm bù đắp các thiếu hụt do dự án ngừng hỗ trợ.
Để ứng phó kịp thời, các địa phương cũng đã chủ động và sáng tạo đưa ra các mô hình cung cấp dịch vụ bảo đảm tiết kiệm nhân lực, chi phí và mang lại hiệu quả tối ưu nhất cho các đối tượng đích. Với những kết quả đạt được, Quỹ toàn cầu đã đánh giá cao những hoạt động dự án đã thực hiện trong thời gian qua, thể hiện việc tuân thủ nghiêm túc các điều kiện của quỹ, sử dụng hiệu quả kinh phí đầu tư, không có bất kỳ sai sót trong quản lý quỹ, góp phần cùng Chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án khác tác động giảm tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam.
Quỹ toàn cầu đã xếp Việt Nam trong những nước có tác động mạnh (high impact country) về giảm tình hình dịch và trong những năm gần đây, dự án luôn được xếp hạng tốt và nhận được tỷ lệ kinh phí tài trợ cao từ Quỹ toàn cầu.
Năm 2017, Bộ Y tế đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế xây dựng đề cương xin viện trợ Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2018-2020. Đề cương đã được Quỹ toàn cầu đánh giá cao và được thông qua với tổng số vốn viện trợ cam kết trên 53 triệu USD cho phòng chống HIV/AIDS.
Ngày 13/3/2017, chủ trương đầu tư của Dự án “Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2018-2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 302/QĐ-TTg với mục tiêu là góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong quần thể dân cư nói chung dưới 0,3% và giảm tác động của HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án được triển khai tại 32 tỉnh, thành phố có tình hình dịch HIV cao và trung bình trên cả nước, trong đó có 30 tỉnh, thành phố đã triển khai dự án giai đoạn 2015-2017 và 2 tỉnh mới là Sóc Trăng và Cà Mau.
Trong giai đoạn 2018-2020, Dự án sẽ tiếp tục duy trì, cải thiện các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng, tập trung vào các nhóm đối tượng đích và bạn tình của người nhiễm HIV trong cộng đồng góp phần giảm 25% số trường hợp nhiễm HIV do tiêm chích ma túy và 20% số người nhiễm HIV do quan hệ tình dục so với năm 2015.
Mở rộng chẩn đoán sớm thông qua các hình thức xét nghiệm HIV tại cơ sở xét nghiệm, xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các nhóm quần thể đích và bạn tình của người nhiễm HIV góp phần đạt mục tiêu 90% số người còn sống nhiễm HIV biết được tình trạng HIV của mình. Chất lượng điều trị thuốc kháng virus (ARV) sẽ được cải thiện để tối đa hóa lợi ích về điều trị, dự phòng giảm lây truyền HIV và giảm tử vong do AIDS góp phần đạt mục tiêu 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người điều trị ARV có tải lượng virus HIV thấp dưới ngưỡng ức chế.
Dự án sẽ hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế và đồng chi trả cho bệnh nhân HIV/AIDS nhằm từng bước đảm bảo quá trình chuyển sang cơ chế hỗ trợ thông qua bảo hiểm y tế được thuận lợi nhất; củng cố hệ thống thông tin nhằm cung cấp bằng chứng hỗ trợ xây dựng chiến lược, giải pháp hiệu quả ứng phó với dịch HIV/AIDS.