Gia tăng bệnh nhân khám hậu COVID-19
Nhiều bệnh nhân vẫn còn tổn thương phổi sau khi khỏi Covid-19. (Ảnh: H.V) |
Số ca đến khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang tăng lên từng ngày, với những di chứng sau nhiễm COVID-19 rất khác nhau. Có những trường hợp dù chỉ nhiễm thể nhẹ, tự điều trị tại nhà nhưng khi được khám chuyên sâu mới phát hiện ra một số di chứng.
Nhiều di chứng hậu COVID-19 cần can thiệp điều trị
Bệnh viện đa khoa Đức Giang mới khai trương phòng khám hậu COVID-19 được 2 tuần. Từ đó tới nay số bệnh nhân biết tới khám ngày một đông với nhiều bệnh chứng rất khác nhau. Bình quân 15-20 bệnh nhân tới khám/ngày, với triệu chứng như khuyến cáo của WHO: liên quan đến stress, tâm lý, hô hấp, tim mạch, bệnh nền. Đến nay, có khoảng hơn 200 bệnh nhân đang được khám và quản lý điều trị tại đây.
Bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 hầu như gặp những biến chứng như khó thở, cần can thiệp hô hấp thường. Trên thực tế, có nhiều bệnh nhân không triệu chứng, hoặc nhẹ cũng có hội chứng hậu COVID-19 kèm theo.
Chị N.T.L (Hà Đông, Hà Nội) lặn lội 20km sang Bệnh viện đa khoa Đức Giang từ sớm. Chị cho biết mình là F0 thể nhẹ, được điều trị tại nhà và đã âm tính. Trong lúc nhiễm bệnh, chị có ho nhiều, mất khứu giác, chóng mặt. Sau khi khỏi bệnh, chị liên tiếp rơi vào tình trạng mất thăng bằng, dễ chóng mặt như tiền đình và hô hấp còn mệt. “Tôi là lao động chính trong nhà, nếu cứ mệt mỏi thế này sẽ không thể làm việc được. Vì thế tôi muốn khám để điều trị dứt điểm”, chị L. nói.
Đưa bố mẹ tới khám vì lo lắng hậu COVID-19 do bố mẹ tuổi cao và có bệnh nền, anh T.Q.T (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, cả gia đình anh có 6/10 người nhiễm COVID-19, trong đó có bố anh từng bị tai biến chưa tiêm vaccine. Anh được bác sĩ cho biết bố anh vẫn còn những ảnh hưởng của COVID-19 tới hệ hô hấp và phải điều trị phục hồi chức năng chuyên sâu. “Gia đình được tư vấn đưa ông về tuyến dưới để điều trị lâu dài vì việc phục hồi chức năng cho ông không đơn giản”, anh T. chia sẻ.
Qua thực tế thăm khám cho hàng trăm bệnh nhân thời gian qua, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, hội chứng COVID-19 đầu tiên là liên quan nhóm bệnh nhân phải can thiệp hô hấp, sau khỏi COVID-19 bệnh nhân vẫn khó thở, thậm chí không cai được oxy, ngay cả về nhà bệnh nhân vẫn phải thở oxy.
“Có nhiều nguyên nhân, trong đó bệnh nhân phổi bị xơ trong quá trình điều trị dài ngày thở oxy máy với áp lực cao, dẫn đến ảnh hưởng phổi”, bác sĩ Thường nói.
Nhiều gia đình cùng đi khám hậu COVID-19. (Ảnh: H.V)
Bên cạnh đó, với bệnh COVID-19, rối loạn đông máu khá kéo dài có thể hơn 2-3 tháng sau điều trị. Điều này ảnh hưởng tới các bệnh lý tim mạch, chức năng thận sau này.
Nhóm thứ ba là nhóm bệnh nhân mắc các bệnh lý thần kinh như stress, sang chấn tâm lý nặng nề, hay hoảng sợ, ngủ không ngon giấc.
Nhóm cuối cùng là bệnh nhân không có dấu hiệu thực thể với triệu chứng điển hình là chóng mệt, ho kéo dài, khó thở, thở hổn hển, không tập trung vào công việc…
Nên khám hậu COVID-19 để phát hiện những di chứng bất thường
Theo Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường, để triển khai Phòng khám hậu COVID-19, bệnh viện đã cử cử 4 bác sĩ và 2 điều dưỡng tham gia khóa đào tạo của Tổ chức Y tế thế giới từ đầu tháng 1/2021.
Bệnh viện đa khoa Đức Giang hiện đang điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân hậu COVID-19, trong đó có tới 70% số lượng là bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà. Khi bệnh nhân tới khám, các bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh COVID-19 và mỗi bệnh nhân có một phác đồ điều trị riêng.
Tại bệnh viện, hiện có những bệnh nhân COVID-19 chưa thể ra viện dù đã âm tính nhiều lần. Những trường hợp này vẫn cần can thiệp hô hấp ở Khoa Hồi sức tích cực hoặc một số bệnh nhân khác vẫn cần can thiệp oxy.
Một số trường hợp nằm ở khoa Truyền nhiễm là những ca đã ra viện và khi tái khám phát hiện những di chứng bất thường cần phải tiếp tục nhập viện.
Theo bác sĩ Thường, điều trị hậu COVID-19 thường phải kéo dài. Các bác sĩ không chỉ thăm khám nhiều chức năng cho người bệnh, còn phải đưa ra phác đồ điều trị cá thể hóa, hướng dẫn bệnh nhân các bài tập liên quan đến thở, ăn uống, dinh dưỡng, vận động; tập cai oxy, tư vấn tâm lý cho bệnh nhân để có thể vượt qua stress.
Đồng thời, các bác sĩ cũng hướng dẫn bệnh nhân theo dõi bệnh nền vì sau COVID-19, bệnh nền có xu hướng tăng nặng. Đặc biệt nhóm bệnh nhân tiểu đường, huyết áp sau COVID-19 có xu hướng kiểm soát khó khăn hơn, thậm chí nhiều trường hợp phải thay đổi cả phác đồ điều trị bệnh nền…
Bác sĩ Thường khuyến cáo, bệnh nhân COVID-19 dù nặng hay nhẹ, kể cả không triệu chứng điều trị tại nhà sau 2 tuần khỏi bệnh nên đến khám, để sớm phát hiện những di chứng hậu COVID-19.
“Có những trường hợp nhiễm COVID-19 nhẹ nhưng có thể tiềm tàng bệnh lý nào đó. Có những bệnh nhân hậu Covid-19 vẫn gặp vấn đề rối loạn đông máu, phải xét nghiệm lại hay cần chụp X-quang phổi để xem còn tổn thương hay không”, bác sĩ Thường nói.