Khai báo y tế: Thiết thực bảo vệ cộng đồng
Người dân khai báo thông tin cá nhân tại siêu thị Minh Cầu (T.P Thái Nguyên). |
UBND tỉnh đã quyết định tạm dừng hoạt động tất cả các chốt kiểm soát dịch COVID-19. Để bảo đảm an toàn, người dân khi vào tỉnh phải khai báo y tế theo quy định. Vì lẽ đó, ý thức trách nhiệm trong khai báo của mỗi người rất quan trọng đối với công tác phòng, chống dịch của tỉnh.
Là tài xế của một công ty chuyển phát nhanh, anh Nguyễn An, 43 tuổi, trú tại phường Tân lập, T.P Thái Nguyên, rất phấn khởi với quy định mới về việc thực hiện biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Do tính chất công việc, anh thường xuyên phải ra, vào tỉnh. Việc khai báo y tế trong thời gian vừa qua luôn là “nỗi sợ hãi” không chỉ của riêng anh.
Anh An chia sẻ: Việc xét nghiệm liên tục và khai báo y tế tại các chốt kiểm soát không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý tài xế mà còn mất rất nhiều thời gian khiến cho việc chuyển phát nhanh trở thành “chuyển phát chậm”. Những chi phí xét nghiệm cũng khiến cho phí chuyển phát tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Làm việc trong môi trường đi lại, tiếp xúc nhiều, nguy cơ cao, chúng tôi luôn được công ty yêu cầu tuân thủ các quy định về phòng chống bệnh, bản thân tôi luôn có ý thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Để thuận lợi cho khai báo y tế điện tử, anh An đã cài đặt các ứng dụng như NCOVI, Bluezone trên điện thoại. Đánh giá cao tính năng quét QR Code, anh An nhận xét Bluezone là ứng dụng rất tiện ích, mỗi khi đến nơi công cộng, việc check in rất đơn giản, nhanh chóng bằng cách quét QR code để ghi nhận sự có mặt. Bởi ứng dụng có tác dụng giúp cảnh báo người dân khi đến các nơi đông người, những khu vực đã có người nhiễm và nghi nhiễm, khu vực đang được cách ly...
Nhờ những ứng dụng này, anh An luôn cập nhật các thông tin, chỉ dẫn mới nhất về dịch COVID-19 từ cơ quan chức năng.
Theo anh An, bằng việc nghiêm túc tuân thủ khai báo y tế, người dân đăng ký thông tin sức khỏe bản thân và người thân trong gia đình với cơ quan y tế, qua đó không chỉ giúp họ được hỗ trợ kịp thời từ cơ quan y tế mà còn giúp cơ quan chức năng truy vết và thực hiện khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng hơn, tránh cách ly nhầm, cách ly trên diện rộng.
Chị Trần Thu Hà, 36 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), hiện có bố mẹ già yếu sinh sống tại phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) nói: Việc “mở cửa” tạo điều kiện cho người dân vào tỉnh là một quyết định rất nhân văn. Vì vậy, tôi thấy càng phải có trách nhiệm hơn khi trở về địa phương. Ngoài tuân thủ việc thực hiện quy định 5K, khi về đến Thái Nguyên, tôi chấp hành khai báo y tế tại Trạm Y tế phường. Căn cứ trên thông tin được cập nhật, cơ quan y tế sẽ kịp thời liên lạc, hỗ trợ theo dõi sức khỏe của tôi và cha mẹ tôi trong tình huống cần thiết. Khai báo y tế không chỉ là trách nhiệm nhằm chung sức, đồng lòng trong việc chống dịch, mà trước hết điều này thiết thực bảo vệ bản thân và người thân của tôi.
Theo quan sát của chúng tôi, trong thời gian vừa qua, đa số người dân trong tỉnh đã hình thành ý thức tự giác tuân thủ 5K và khai báo y tế. Tại các siêu thị trên địa bàn, có 2 hình thức khai báo y tế, hoặc quét mã QR hoăc ghi thông tin cá nhân nếu không dùng điện thoại thông minh...
Khi Thái Nguyên mở cửa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lượng người từ nơi khác về tỉnh sẽ tăng mạnh. Bởi vậy, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân hơn nữa, các xã, phường, thị trấn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xử lý mạnh tay những trường hợp không chấp hành khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực…