Không nên chủ quan
Cán bộ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tặng quà, động viên người mắc COVID-19 có bệnh nền, tuổi cao yên tâm điều trị tại Trung tâm Hồi sức và Điều trị người bệnh COVID-19 (cơ sở 2) của Bệnh viện. |
Hơn 1 tháng qua, dù số ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn tỉnh tăng khá cao nhưng hầu hết đều ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Đến nay, Thái Nguyên đã có trên 220 nghìn trường hợp F0 theo dõi, điều trị tại nhà được công bố khỏi bệnh. Đây là một tín hiệu tích cực nhưng chính vì thế, nhiều người đã khỏi bệnh có tâm lý chủ quan nên nguy cơ tái nhiễm cao. Đặc biệt, không ít người có tâm lý “thả cửa, đu trend”… và không ngại mắc COVID-19. Các chuyên gia y tế cảnh báo, sự chủ quan này có thể mang đến nhiều hệ lụy…
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2. Chị Nguyễn Thị Linh, tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), là 1 trường hợp như thế. Chị cho hay: Khi mắc COVID-19 lần đầu (giữa tháng 1-2022), cơ thể tôi hầu như không có phản ứng, vẫn ăn ngon, ngủ tốt. Chỉ sau 5 ngày, tôi đã âm tính với SARS-CoV-2. Chính điều này làm tôi chủ quan cho rằng khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin cộng với tiền sử đã mắc bệnh thì kháng thể sẽ tăng lên rất nhiều. Bởi vậy, tôi không còn quan tâm tới việc đeo khẩu trang, sát khuẩn… như trước. Nhưng khi tái nhiễm lần 2 (cách đây gần 1 tháng), tôi nhận thấy suy nghĩ của mình là hoàn toàn sai lầm khi phản ứng cơ thể với vi rút quá “mạnh”. Tôi sốt cao, ho kèm cả triệu chứng khó thở trong 2 ngày đầu. Sau 10 ngày tôi mới âm tính trở lại nhưng đến nay cơ thể vẫn rất mệt mỏi. Khi lên cầu thang, tôi thấy mình như bị hụt hơi.
Ngoài tình trạng chủ quan sau khi mắc COVID-19, không ít người còn “mặc kệ” vì cho rằng mắc COVID-19 cũng không quá nghiêm trọng. Vì lẽ đó, nhiều trường hợp thường xuyên tụ tập ở các nhà hàng, tụ điểm vui chơi mà không áp dụng triệt để các biện pháp phòng dịch. Anh Nguyễn Văn H., một người dân ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) nói: Tôi thấy COVID-19 không quá đáng sợ như chúng ta thường nghĩ. Nhiều người khi mắc không có triệu chứng, vẫn khỏe mạnh bình thường và chỉ 3, 4 ngày sau đã âm tính trở lại… Vì thế, tôi không nhất thiết phải hạn chế các cuộc vui chơi của mình với bạn bè.
Từ thực tế trên cho thấy, một bộ phận người dân trong tỉnh đang có tâm lý chủ quan nên không áp dụng triệu để các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và có thể gây khó khăn cho công tác phòng dịch tại địa phương.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó Trưởng Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên): Những trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 là biểu hiện cho sự phòng vệ của bản thân người bệnh với loại vi rút này đã bị kém đi. Họ không chỉ trở thành nguồn lây lan bệnh trong cộng đồng, mà khi tái nhiễm vẫn có thể trở nặng và gặp các biến chứng nguy hiểm, nhất là với những trường hợp chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Việc tái nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ làm cho các ca bệnh tăng trở lại dẫn tới việc kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh trở nên khó khăn hơn.
Đối với những trường hợp đang có tâm lý thả nổi theo kiểu “ai rồi cũng mắc COVID-19”, các chuyên gia cũng đưa ra những lời cảnh báo nguy hiểm cho tình trạng này. Bác sĩ CK II Lê Hùng Vương (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), chuyên gia trong điều trị COVID-19 của Việt Nam, cho biết: Nhiều người đã vượt qua COVID-19 một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, vấn đề hậu COVID-19 mới là điều khiến chúng ta phải lo lắng. Nhiều trường hợp để lại di trứng sau mắc COVID-19 như suy kiệt cơ thể, suy giảm trí nhớ, sương mù não, trầm cảm, đau cơ khớp, đau ngực… ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt và công việc. Nếu chúng ta không mắc COVID-19, chúng ta không phải lo cho tình trạng hậu COVID-19, chất lượng cuộc sống vì thế sẽ tốt hơn rất nhiều.
Bởi vậy, các bác sĩ khuyên người dân không nên chủ quan để bị nhiễm hoặc tái nhiễm COVID-19. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, mỗi người hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch một cách hiệu quả nhất, “trung thành” với khẩu trang, nước sát khuẩn tay ở mọi lúc, mọi nơi; không nên tụ tập nơi quán xá đông đúc; tiêm các liều vắc xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế… Khi mỗi cá nhân đều tích cực, chủ động các biện pháp phòng dịch thì COVID-19 mới nhanh chóng được đẩy lùi.