Nâng cao nhận thức về xã hội hóa cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình
Liên đoàn Lao động TP. Phổ Yên phối hợp tổ chức tầm soát ung thư cho đoàn viên công đoàn trên địa bàn. |
Sau gần 4 tháng ban hành, Kế hoạch thực hiện đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT), hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản (KHHGĐ, SKSS) trên địa bàn Thái Nguyên năm 2022 đã được ngành Y tế triển khai rất tích cực. Nhờ đó, đến nay kết quả thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại, kế hoạch hóa gia đình đã đạt xấp xỉ 95% kế hoạch giao. Theo đó, khoảng 75% số bà mẹ đã được sàng lọc trước sinh và gần 13% số cặp nam, nữ thanh niên được khám, tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn...
Để đạt được kết quả này, mạng lưới y tế từ tỉnh, huyện đến xã đã thực hiện rất nhiều giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin tạo đồng thuận thúc đẩy xã hội hóa, phát triển thị trường PTTT, hàng hóa SKSS, thị trường cung cấp dịch vụ và triển khai Đề án đặc biệt được quan tâm.
Bà Hồ Thị Thanh Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh, cho biết: Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hội nghị triển khai Kế hoạch và hướng dẫn thực hiện Đề án cho các sở, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế, các tổ chức và cá nhân tham gia thực hiện Đề án tại cấp tỉnh, huyện và xã. Cùng với đó là tổ chức các sự kiện truyền thông về xã hội hóa, nội dung và sản phẩm, dịch vụ, tập trung cho sản phẩm, dịch vụ mới của Đề án; tổ chức cho cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn, xóm, bản tuyên truyền, vận động, tư vấn cho người dân trực tiếp tại cộng đồng...
Bên cạnh đó, ngành Y tế còn xây dựng mạng lưới tham gia thực hiện Đề án khá rộng khắp. Mạng lưới y tế công lập ở cấp tỉnh và huyện huy động các bác sĩ và nhân viên y tế của cơ sở y tế đủ điều kiện tham gia cung cấp đầy đủ các sản phẩm và dịch vụ của Đề án; hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tham gia cung cấp dịch vụ tại cộng đồng. Cấp xã huy động các bác sĩ, nhân viên y tế và cán bộ dân số của trạm y tế tham gia phân phối sản phẩm và cung cấp dịch vụ của Đề án theo phân cấp. Các thôn, xóm, bản, tổ dân phố huy động cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn/bản/tổ dân phố tham gia tuyên truyền, vận động, tư vấn và phân phối sản phẩm của Đề án; huy động các cửa hàng tiện lợi tham gia. Với quầy dược, nhà thuốc, phòng khám sản phụ khoa và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh, huy động các nhân viên y tế của các cơ sở tham gia phân phối sản phẩm và cung cấp dịch vụ của Đề án.
Theo đó, những người nằm trong mạng lưới tham gia Đề án được tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn, kỹ thuật dịch vụ KHHGĐ/SKSS... Qua đó giúp họ cập nhật nhiều kiến thức mới để hướng dẫn người dân lựa chọn sản phẩm, dịch vụ chất lượng, nhất là những sản phẩm có tác dụng phòng, chống ung thư; những giải pháp công nghệ thực hiện đơn giản, có tính cộng đồng cao về sàng lọc, chẩn đoán ung thư vú, ung thư cổ tử cung có hiệu quả, dựa trên nhu cầu, điều kiện của người dân và năng lực của hệ thống cung cấp...
Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Việc thực hiện Kế hoạch này đã nâng cao nhân thức và ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng về lợi ích, ý nghĩa của việc xã hội hóa PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS, dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Đồng thời đáp ứng nhu cầu cho nhóm dân cư có khả năng chi trả và huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, tăng tính bền vững của công tác dân số và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Để việc triển khai Kế hoạch thực hiện đề án Xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ, SKSS trên địa bàn tỉnh năm 2022 có hiệu quả hơn, từ nay đến cuối năm, ngành Y tế sẽ tiếp tục làm tốt công tác quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ của Đề án, thông qua việc thực hiện đúng hướng dẫn, quy trình sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và quản lý ung thư vú, ung thư cổ tử cung của Bộ Y tế tại cộng đồng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và khắc phục những thiếu sót trong quá trình thực hiện Đề án…