Nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng số ca mắc sốt xuất huyết nặng
Bệnh nhân diễn biến nặng do sốt xuất huyết. |
Chuyên gia y tế nhận định có thể do đặc tính của chủng vi-rút Dengue gây bệnh năm nay hoặc do người dân có sự thay đổi về miễn dịch sau nhiễm COVID-19 khiến những trường hợp mắc sốt xuất huyết diễn biến nặng hơn so với năm trước.
Trong 8 tháng qua, cả nước ghi nhận gần 180.000 ca mắc sốt xuất huyết, 70 trường hợp tử vong. Riêng tại TP. Hà Nội đã ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuần qua, Hà Nội ghi nhận 308 trường hợp mắc và 22 ổ dịch mới. Số ca mắc được dự báo tiếp tục tăng cao do đang trong cao điểm mùa dịch, kết quả giám sát tại nhiều điểm có chỉ số muỗi, bọ gậy vượt ngưỡng.
TS, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhận định, năm nay bệnh nhân sốt xuất huyết nặng ở miền bắc xuất hiện sớm, tăng nhanh, tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn so với các năm trước.
Lý giải về sự bất thường này, bác sĩ Cấp cho rằng, có thể do đặc tính của chủng vi-rút Dengue gây bệnh năm nay. Nguyên nhân nữa cũng có thể vì quần thể bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mắc bệnh này sau nhiễm COVID-19, có các thay đổi về miễn dịch góp phần ảnh hưởng diễn biến trên bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc khó khăn của ngành y tế, đặc biệt thiếu thuốc và nhân lực làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Về đáp ứng điều trị, suốt 2 năm qua, cả hệ thống y tế tập trung vào phòng và điều trị COVID-19, đã xuất hiện tình trạng có nơi, có lúc, một số bác sĩ "quên" kiến thức về sốt xuất huyết.
Với bệnh sốt xuất huyết, quá trình cấp cứu với bệnh nhân nặng đòi hỏi sự liên tục, phải được xử lý theo dõi sát từng 20-30 phút, thậm chí 5-10 phút/lần. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng thực hiện quy trình này tốt. Bởi vậy sau khi xử lý bệnh nhân ổn đã chuyển lên tuyến trên, nhưng nếu trên đường vận chuyển không bảo đảm được việc tiếp tục theo dõi và điều trị sâu sát thì bệnh nhân có thể tái sốc hoặc có biến chứng xảy ra ngay trên đường vận chuyển.
Theo bác sĩ Cấp, sốt xuất huyết là bệnh cấp tính, diễn biến nặng rất nhanh chóng. Từ khi có dấu hiệu cảnh báo đến khi xuất hiện sốc, nếu không được xử lý phù hợp thì có thể chỉ vài tiếng. Nếu xử lý ban đầu không tốt, bệnh nhân đến đã trong tình trạng sốc rất sâu hoặc suy đa phủ tạng, điều trị cực kì khó khăn thậm chí tử vong.
Nguy cơ diễn biến nặng ở bệnh nhân sốt xuất huyết có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên mô hình diễn biến có thể khác nhau. Ở trẻ nhỏ, thường gặp tình trạng sốc nhiều hơn trong khi ít biến chứng chảy máu nghiêm trọng. Ở người già và người có bệnh nền, có thể gặp biến chứng chảy máu nghiêm trọng hơn.
"Thí dụ như người loét dạ dày hành tá tràng, xơ gan có giãn tĩnh mạch thực quản. Khi mắc sốt xuất huyết nếu xảy ra xuất huyết ở những vị trí này thì việc xử lý sẽ cực kỳ khó khăn", bác sĩ Cấp dẫn chứng. Hoặc với bệnh nhân tăng huyết áp, nếu huyết áp tụt về mức bình thường như người khác thì đã là tình trạng sốc nặng đối với họ. Nếu thầy thuốc nhận định giá trị huyết áp không đúng có thể dẫn đến xử trí không phù hợp.
Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân sốt xuất huyết rất nặng. Mỗi ngày, các bác sĩ tiếp nhận thêm 3-6 ca nặng từ tuyến dưới chuyển lên. Đặc biệt, tuần qua, có tới 4 ca sốt xuất huyết tử vong tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương do diễn biến quá trầm trọng, các biện pháp can thiệp không hiệu quả.
Chuyên gia này cũng cho rằng, 4 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết phản ánh một số vấn đề:
Thứ nhất, hiện nay cộng đồng đang lưu hành cả ba bệnh gây sốt là COVID-19, cúm và sốt xuất huyết nên khi có triệu chứng sốt, nhiều người dân bị sốt không nghĩ đến sốt xuất huyết. Chỉ tới khi có diễn biến khá nặng như chảy máu, choáng, sốc thì mới vào viện.
Bên cạnh đó, có một số ít trường hợp do thầy thuốc tuyến dưới nhận định chưa thật sự chính xác, dẫn đến xử lý chưa đúng với diễn biến thực khiến bệnh nhân trở nặng, còn lại phần lớn do cơ địa bệnh nhân hoặc các bệnh nền khiến diễn biến bệnh trầm trọng lên.