Phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, Việt Nam ứng phó với dịch như thế nào?

Cập nhật: Thứ hai 03/10/2022 - 14:36
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại buổi giao ban về tình hình dịch bệnh và hoạt động trọng tâm quý IV/2022, tổ chức sáng 3-10, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã phát hiện một ca bệnh đậu mùa khỉ nhờ công tác kiểm soát và giám sát.

Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, trong chiều nay (3-10), Bộ Y tế sẽ có thông tin chính thức về ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên này. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan liên quan siết chặt công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. 

Đối với công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai giám sát người nhập cảnh qua các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ.

Đối với công tác sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh ban đầu (trung tâm y tế, trạm y tế, phòng khám) tăng cường truyền thông cho người dân. 

Khi người dân có triệu chứng nghi ngờ, cần đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán (nếu cần).

Trước đó, ngày 29-7, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. 

Theo đó, đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi, lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con.

Bệnh có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong. 

Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi sở Y tế các địa phương đề nghị tăng cường giám sát tại cơ sở khám chữa bệnh và dựa vào sự kiện cộng đồng để phát hiện sớm ca đậu mùa khỉ. Theo đó, tại văn bản này, Bộ Y tế nêu rõ, thực hiện Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần "Sớm một bước, cao hơn một mức", Bộ Y tế đề nghị sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu (nếu có) trên địa bàn, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh (trong đó có cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, HIV/AIDS) và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý, không để bệnh lây lan ra cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp có triệu chứng, tiếp xúc với người nghi ngờ, mắc bệnh.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh đầu mùa khỉ.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh sẵn sàng tổ chức thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả và đảm bảo phòng, chống lây nhiễm, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế.

Tại văn bản này, Bộ Y tế nêu rõ: Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.

Đồng thời thực hiện truyền thông minh bạch, bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Trong đó, lưu ý truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.

Tiếp đó, ngày 22-8, Bộ Y tế đã ban hành quyết định hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng ban hành Hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Bộ cũng đã tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát và các biện pháp phòng chống, truyền thông, phòng chống lây nhiễm trong cơ sở y tế, chăm sóc điều trị bệnh nhân đậu mùa khỉ; phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế, Nông nghiệp và các bộ, ngành liên quan trong việc quản lý buôn bán, sử dụng, phòng chống dịch từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ cảm nhiễm cao.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đã có văn bản gừi các cơ sở đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nhập khẩu thuốc, để chủ động nghiên cứu, sản xuất thuốc điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

TNĐT
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: