Quyết liệt giữ “vùng xanh”
Lực lượng cán bộ y tế tiêm phòng vắc xin cho người dân dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC). |
Một năm qua, Việt Nam cũng như cả thế giới phải gồng mình trong cuộc chiến đầy cam go với dịch COVID-19. Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã ghi nhận số ca mắc kỷ lục, lên đến vài nghìn người mỗi ngày. Tuy nhiên, Thái Nguyên vẫn bình yên trong đại dịch nhờ sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân.
Yên bình trong đại dịch
Những ngày đầu năm, trong khi Hải Dương xuất hiện các ổ dịch COVID-19 rồi lan sang một số tỉnh, thành phố lân cận, Thái Nguyên vẫn bình yên. Kể cả khi dòng người từ Trung Quốc qua các tỉnh giáp biên giới như Cao Bằng, Lạng Sơn hồi hương về Thái Nguyên ăn Tết, quê hương Thủ đô gió ngàn với nhiều biện pháp quyết liệt trong việc kiểm tra, kiểm soát di biến động dân cư vẫn được đón Xuân trong an toàn, yên vui.
Tháng 5, 6 và tháng 7, khi nhiều ổ dịch COVID-19 bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh… Thái Nguyên đã tăng cường quản lý vùng giáp ranh; siết chặt quản lý người từ tỉnh bạn vào Thái Nguyên. Những trường hợp từ các tỉnh này đến, trở về địa phương phải thực hiện cách ly tập trung và cách ly tại nhà theo quy định nghiêm ngặt. Đặc biệt, ngay khi phát hiện các ca bệnh mới, lực lượng chức năng đã tiến hành khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và dập dịch thành công. Nhờ đó, số ca F0 cộng đồng ở Thái Nguyên thời điểm này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Khi tình hình dịch COVID-19 ở Bắc Giang, Bắc Ninh được kiểm soát thì từ tháng 7, nhiều ổ dịch ở T.P Hồ Chí Minh được phát hiện và làm lây lan ra cộng đồng theo cấp số nhân. Kéo theo đó, nhiều tỉnh miền Nam như Bình Dương, Đồng Nai... đã trở thành tâm dịch với số ca mắc lên tới ba, bốn con số mỗi ngày. Dù vậy, với nhiều biện pháp quyết liệt như yêu cầu cách ly tập trung đối với những người từ vùng dịch đi, đến Thái Nguyên; tăng cường hoạt động của các chốt kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch COVID-19 tại các vị trí cửa ngõ, các khu vực xung yếu của tỉnh... miền quê trung du này vẫn khá yên bình. Người dân trong tỉnh vì thế có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định sản xuất.
Niềm tin chiến thắng
Hai tháng cuối năm, dù số ca mắc COVID-19 trên địa bàn đã tăng khá nhanh nhưng các ổ dịch đã được khoanh vùng, truy vết nhanh chóng. Đáng nói là, Thái Nguyên chưa xuất hiện ca tử vong do mắc COVID-19. Vì lẽ ấy, người dân Thái Nguyên vẫn luôn tin tưởng các biện pháp phòng, chống dịch của các cấp chính quyền địa phương. Ông Lê Hữu Vịnh, một người dân ở phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) nói: Trong khi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn đang “gồng mình” chống dịch với số ca mắc lên đến 4 con số mỗi ngày thì Thái Nguyên vẫn đang kiểm soát dịch khá tốt. Tôi tin rằng với nhiều biện pháp quyết liệt, linh hoạt của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của nhân dân, công tác phòng, chống dịch của quê hương chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.
Xét nghiệm khẳng định COVID-19 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Sự tin tưởng của người dân chính là động lực và cũng đòi hỏi các cấp, ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế nói: Trong thời điểm sống chung an toàn với dịch bệnh như hiện nay thì tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân chính là nhiệm vụ số 1 của Thái Nguyên. Cùng với đó, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân cũng là một trong những nội dung mà Thái Nguyên tiếp tục duy trì và đẩy mạnh. Chỉ khi tất cả người dân đều thực hiện tốt các quy định trong công tác phòng, chống dịch thì dịch bệnh mới có thể kiểm soát hiệu quả hơn.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, mới đó 365 ngày của năm 2021 đã khép lại với những thăng trầm của đất nước. Đáng mừng là Thái Nguyên vẫn vững vàng vượt qua “bão dịch”. Thậm chí, Thái Nguyên còn cho viện trên 1.440 cán bộ y tế, sinh viên cho Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh miền Nam chống dịch. Hy vọng, với những thành quả đã đạt được, trong năm 2022, Thái Nguyên sẽ tiếp tục giữ vững “phong độ”, để vùng quê nửa đồng, nửa núi này tiếp tục là “vùng xanh” - vùng an toàn trong đại dịch.