Sẵn sàng phương án ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ
Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám sức khoẻ cho người dân. |
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và tại một số nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã xuất hiện ca bệnh, ngành Y tế Thái Nguyên chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Trong đó, mục tiêu lớn nhất là chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát kịp thời không để bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong.
Tìm hiểu tại Bệnh viện A Thái Nguyên, Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên và một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, chúng tôi được biết các cơ sở y tế này đã có những động thái tích cực để sẵn sàng ứng phó khi có các ca bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện tại Thái Nguyên.
Bác sĩ Hà Hải Bằng, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên cho hay: Khi xây dựng Kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bệnh xảy ra theo chỉ đạo của Sở Y tế, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới việc chuẩn bị sẵn thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng chống dịch và điều trị theo quy định.
Cùng với đó, việc tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát và điều trị bệnh đậu mùa khỉ cũng đang được các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh triển khai. Trong đó tập trung vào việc thực hiện phân luồng, điều trị người bệnh (khi xuất hiện ca bệnh) nhằm đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả, phòng chống lây nhiễm tại cơ sở y tế, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế. Đồng thời, báo ngay cho đơn vị y tế dự phòng để phối hợp điều tra, truy vết.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ và việc Việt Nam đã xuất hiện trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đang thực hiện nghiêm việc yêu cầu đeo khẩu trang thường xuyên đối với tất cả người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế.
Bên cạnh sự tích cực của các cơ sở khám, chữa bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch, phương án ứng phó nếu dịch bệnh xảy ra, dự trù kinh phí, vật tư, trang thiết bị và gửi về Sở Y tế trong ngày 7-10 để trình UBND tỉnh ban hành.
Song song với đó, đơn vị đã tăng cường giám sát chặt chẽ dịch trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý kịp thời không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Để người dân nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Trung tâm đã xây dựng các chương trình phối hợp với các cơ quan truyền thông và các đơn vị liên quan tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh, khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh; thiết lập đường dây nóng, nơi tiếp nhận thông tin để tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh đậu mùa khỉ.
Ông Nguyễn Văn Trường Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nói: Trong trường hợp Thái Nguyên ghi nhận ca bệnh, chúng tôi sẽ khẩn trương vào cuộc xác định nguồn lây nhiễm; quản lý và xử trí kịp thời ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng.
Sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ, trung tâm y tế các huyện, thành phố cũng đã nhanh chóng vào cuộc tham mưu với UBND huyện, thành phố lên kế hoạch ứng phó với dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ. Bác sĩ Lê Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ nói: Ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên đã xuất hiện tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, bệnh đang ở khá gần chúng ta. Bởi vậy, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát chặt chẽ dịch bệnh trong cộng đồng, chúng tôi sẽ chủ động tư vấn, hỗ trợ cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ theo nhiều hình thức như trực tiếp tại các trạm y tế, qua các hội nghị của ngành Y tế…
Trước những diễn biến khó lường của bệnh đậu mùa khỉ, các cấp, ngành chức năng và người dân cần nâng cao cảnh giác nhưng cũng không hoang mang và chủ quan để công tác phòng, chống dịch được thực hiện hiệu quả.