Sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu của dịch
Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã có phương án chuẩn bị giường điều trị để tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 nặng và rất nặng. |
Được đánh giá là tỉnh có nguy cơ cao với dịch COVID-19, Thái Nguyên đã có các phương án sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu của dịch. Trong đó bảo đảm đáp ứng được nhu cầu ở các mức độ như: Số trường hợp mắc đến 1.000 người và số người cần cách ly y tế là 70.000 người; số trường hợp mắc trên 1.000 đến 2.000 người và số người cần cách ly y tế là 140.000 người; số trường hợp mắc trên 2.000 đến 3.000 người và số người cần cách ly y tế là 210.000 người.
Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sự chuẩn bị này sẽ giúp Thái Nguyên chủ động được việc thu dung điều trị và cách ly y tế trong trường hợp số ca mắc COVID-19 và số trường hợp phải cách ly y tế trên địa bàn tỉnh tăng cao.
Theo từng cấp độ, các tình huống đã đưa ra phương án xử lý rất cụ thể từ công tác chỉ đạo điều hành, giám sát, xét nghiệm, cách ly đến điều trị và chuẩn bị hậu cần như vật tư y tế, nguồn nhân lực, vật lực...
Đặc biệt, căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể (theo từng mức độ), Thái Nguyên đã lựa chọn các bệnh viện tuyến Trung ương đóng trên địa bàn; tuyến tỉnh; tuyến huyện để phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân.
Ở mức độ 1, các bệnh viện như Trung ương Thái Nguyên sẽ bố trí 100 giường cho bệnh nhân nặng, rất nặng; Bệnh viện Lao và Bệnh phổi chuẩn bị 300 giường điều trị bệnh nhân, trong đó có 20 giường điều trị bệnh nhân nặng; Trung tâm Y tế T.X Phổ Yên chuẩn bị 300 giường, trong đó có 20 giường bệnh nhân nặng; Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng chuẩn bị 200 giường; Bệnh viện C Thái Nguyên chuẩn bị 100 giường tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp.
Đặc biệt, ở mức độ này, tỉnh đã yêu cầu Khoa hồi sức tích cực và Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện A và C chuẩn bị tối thiểu 50 giường và sẵn sàng mở rộng lên 100 giường, với hệ thống ô xy trung tâm, nguồn nhân lực có trình độ, thực hiện được các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao để tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng.
Ở mức độ 2 khi trên địa bàn có 2.000 ca bệnh, trong đó có 100 bệnh nhân rất nặng (giường hồi sức tích cực ICU); 200 bệnh nhân nặng (giường hồi sức cấp cứu); 400 bệnh nhân mức độ vừa; 1.300 bệnh nhân mức độ nhẹ, không triệu chứng, bên cạnh cơ sở vật chất, lực lượng huy động theo mức độ 1, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên sẽ bổ sung thêm 100 giường điều trị cho bệnh nhân nặng. Ngoài ra sẽ bổ sung 500 giường điều trị tại Bệnh viện Gang thép; 120 giường tại Trung tâm Y tế T.P Sông Công; 280 giường tại Bệnh viện Y học cổ truyền…
Ở mức độ 3, khi lượng bệnh nhân đạt con số 3.000 người gồm 150 bệnh nhân rất nặng, 260 bệnh nhân nặng, 430 bệnh nhân mức độ vừa và 2.160 bệnh nhân mức độ nhẹ, không triệu chứng, ngoài cơ sở vật chất, lực lương con người đã được chuẩn bị theo mức độ 1 và 2, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiếp tục bổ sung thêm 50 giường điều trị bệnh nhân rất nặng ICU (tổng số là 150 giường ICU) và giảm 50 giường điều trị bệnh nhân nặng (tổng số là 50 giường).
Bệnh viện Quân Y 91 sẽ chuẩn bị 300 giường; Bệnh viện C Thái Nguyên chuẩn bị thêm 100 giường điều trị bệnh nhân mức độ nhẹ tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế công nghiệp; Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ chuẩn bị 150 giường để tiếp nhận bệnh nhân nhẹ và không triệu chứng; Bệnh viện A Thái Nguyên chuẩn bị thêm 100 giường bệnh tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên.
Ở mức độ này, tỉnh sẽ triển khai bệnh viện dã chiến (Tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - Đại học Thái Nguyên) với quy mô 350 giường điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng.
Ông Hà Hải Bằng, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên cho biết: Thực hiện theo yêu cầu của tỉnh, chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 theo từng mức độ.
Có thể thấy, Thái Nguyên đã chuẩn bị phương án khá cụ thể để sằn sàng ứng phó với tình hình xấu của dịch. Tuy nhiên, bên cạnh chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để tham gia vào công tác điều trị theo các cấp độ, việc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong tỉnh cần làm lúc này là tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong tiếp nhận, sàng lọc, phân luồng, cách ly, điều trị bệnh nhân.
Song hành với đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo nhanh, gọn, hiệu quả; hạn chế chuyển người bệnh lên tuyến trên, tăng cường chỉ định điều trị ngoại trú... Tiếp tục rà soát, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi nhiễm, tổ chức cách ly y tế đối với các đối tượng đúng quy định; củng cố và nâng cao năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh…