Thái Nguyên: Bảo đảm năng lực xét nghiệm theo nhu cầu

Cập nhật: Thứ tư 01/09/2021 - 08:56
 Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong điều kiện diễn biến dịch bệnh phức tạp như hiện nay, cùng với việc tăng cường nguồn nhân lực tại các tuyến tham gia lấy mẫu bệnh phẩm, tổ chức tập huấn cho người tham gia công tác lấy mẫu, thì việc đảm bảo năng lực xét nghiệm đang được Thái Nguyên đặc biệt quan tâm.

Hiện nay, nhu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh khá cao, nhất là từ khi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước siết chặt việc quản lý những trường hợp ra, vào tỉnh và bắt buộc người từ tỉnh ngoài vào địa phương phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR, còn hiệu lực trong vòng 72 giờ.

Ông Nguyễn Hữu Công ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), nói: Tuần trước, các con tôi có công việc gia đình phải đi Bắc Kạn. Do nắm được thông tin nên các cháu đã chủ động đi làm xét nghiệm SARS-CoV-2. Khi đến cơ sở làm xét nghiệm mới thấy người đi làm xét nghiệm rất đông...

Nhằm đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch, từ cuối tháng 4 đến nay, trung bình mỗi ngày, tỉnh phải thực hiện trên dưới 1.000 xét nghiệm đối với những người từ vùng có dịch trở về, trường hợp nghi nhiễm, những người thực hiện cách ly tập trung…

Ngoài ra, tỉnh còn tăng cường chỉ đạo xét nghiệm phát hiện ngẫu nhiên tại cộng đồng; đảm bảo duy trì tỷ lệ xét nghiệm sàng lọc thường xuyên tại các doanh nghiệp, nhà máy, công ty, đơn vị (tối thiểu đạt 20%/tuần) nên các mẫu xét nghiệm tăng đột biến so với trước.

Bởi vậy, để đảm bảo năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2, Thái Nguyên đã khuyến khích nhiều cơ sở y tế chủ động đầu tư máy móc, thiết bị, đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Bác sĩ Hà Hải Bằng, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên cho hay: Trước đây, Bệnh viện chỉ có thể xét nghiệm sàng lọc những trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Từ ngày 16-7-2021, chúng tôi đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cấp Giấy chứng nhận năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR.

Như vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 đơn vị được thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, trong đó có 3 cơ sở được khẳng định (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện A Thái Nguyên); 1 cơ sở được xét nghiệm sàng lọc (Bệnh viện Trường Đại học Y Dược). Năng lực hiện tại thực hiện xét nghiệm được 1.700 mẫu đơn/ngày, tương đương 8.500 mẫu (gộp 5)/ngày.

Đặc biệt, với thiết bị hiện đại, từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, Thái Nguyên chưa có sai xót nào xảy ra trong quá trình xét nghiệm. Các nhân viên xét nghiệm được nâng cao tay nghề cũng như kỹ năng liên tục đáp ứng kịp thời với các tình huống dịch bệnh. Kiên quyết không để bị động trong bất cứ trường hợp nào.

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 7 bộ máy xét nghiệm Realtime PCR và máy tách chiết AND/ARN. Tuy nhiên, trong trường hợp diễn biến dịch phức tạp và có tình huống xấu nhất thì Thái Nguyên vẫn cần mở rộng thêm các cơ sở xét nghiệm để đáp ứng yêu cầu.

Chúng tôi được biết, nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất, phục vụ cho xét nghiệm SARS-CoV -2, tỉnh đã chỉ đạo bổ sung 1bộ máy xét nghiệm Realtime PCR cho Bệnh viện C Thái Nguyên để nâng công suất xét nghiệm thêm khoảng 200 mẫu đơn/ngày, tương đương khoảng 1.000 mẫu (gộp 5)/ngày để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.

Trong tình hình diễn biến dịch xấu hơn, phòng khi các cơ sở xét nghiệm trong tỉnh quá tải, Sở Y tế cũng đã chủ động ký hợp đồng nguyên tắc với 3 đơn vị cam kết hỗ trợ tỉnh thực hiện xét nghiệm khi có yêu cầu: 12.000 mẫu đơn/ngày, tương đương 60.000 mẫu (gộp 5)/ngày.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục khuyến khích phát triển thêm các cơ sở xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên địa bàn. Trong đó, Labo sinh học phân tử của Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Khoa học TN… sẽ là sự lựa chọn tiếp theo.

Xét nghiệm SARS-CoV-2 đóng một vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch, giúp phát hiện sớm các ca bệnh để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch. Với sự chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống như vậy, có thể nói Thái Nguyên đã chủ động cho tình huống phòng, chống dịch ở cấp độ cao nhất.

Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: