Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tuyệt đối không chủ quan với dịch COVID-19
Quang cảnh Phiên họp. |
Sáng 6-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại sự hy sinh, vất vả và những mất mát trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có vaccine và thuốc chữa bệnh; đồng thời thẳng thắn chỉ rõ, sau khi kiểm soát dịch bệnh, đến nay đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức về những bài học kinh nghiệm phòng, chống dịch.
Trong bối cảnh dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục ban hành nhiều công điện, văn bản nhằm chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng. Sau khi bao phủ vaccine, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128-NQ/CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; đến quý IV-2021, tăng trưởng kinh tế trên cả nước có những kết quả khởi sắc và hồi phục trở lại.
Nhấn mạnh tiêm vaccine là biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt Bộ Y tế, thống nhất nhận thức trong công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện, quán triệt tinh thần “đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết”, “phòng bệnh từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở”; đặc biệt tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19.
Nêu rõ số ca mắc tăng cao trở lại ở một số nước trong khu vực và trên thế giới, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, dịch bệnh "không thể nói trước được do khó định đoán, khó dự báo, trong khi miễn dịch COVID-19 giảm theo thời gian". Do đó, ngay từ tháng 2-2022, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phải đánh giá miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc để chủ động phòng ngừa lây nhiễm, nhất là với các biến chủng mới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch, không để bùng phát trở lại. Các bộ ngành, địa phương tập trung tổ chức thực hiện 3 trụ cột phòng, chống dịch (xét nghiệm, cách ly, điều trị), công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác” và tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP của Chính phủ; đặc biệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trước nguy cơ “dịch chồng dịch” do một số bệnh dịch lưu hành khác và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và mỗi người.
Cụ thể, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, phải đảm bảo nguồn nhân lực, chất lượng y tế dự phòng và hạ tầng, tăng cường y tế cơ sở; tăng lương, phụ cấp cho ngành Y tế… trên tinh thần “thống nhất về nhận thức và hành động; quyết liệt và quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn; xác định trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào, dứt điểm việc đó”.
Báo cáo tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, 7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận trên 9 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), trên 8,5 triệu người khỏi bệnh, gần 11 nghìn ca tử vong. Đến nay, cả nước ghi nhận 10,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 9,9 triệu người khỏi bệnh và trên 43 nghìn ca tử vong.
Trong tháng 7-2022, cả nước ghi nhận trên 33.000 ca mắc, 6 ca tử vong; thời gian gần đây ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc/ngày. So với tháng trước, số mắc tăng 22,4%, giảm 2 ca tử vong, tỷ lệ chết/mắc 0,02%. Hiện còn 6.388 ca đang theo dõi và điều trị, trong đó có 675 ca đang điều trị tại bệnh viện; có 44 ca nặng phải thở oxy, bao gồm 3 ca thở máy.
Tính đến ngày 4-8-2022, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 247 triệu liều vaccine phòng COVID-19, là quốc gia có số liều vaccine sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới (tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%); hiệu suất sử dụng vaccine cao (đạt 100%) và tốc độ tiêm nhanh (tháng cao điểm - tháng 10 và 11-2021 tiêm được 39 - 40 triệu liều/tháng). Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số 52%, cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới). Tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Italia, Pháp...
Nhấn mạnh tiến độ tiêm chủng có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong nửa cuối tháng 7-2022, cả nước triển khai tiêm được hơn 7,7 triệu liều vaccine, tăng 34% so với nửa đầu tháng 7-2022. Việt Nam là nước triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm và sử dụng đa dạng các loại vaccine. Các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương đã rất nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận và đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn hệ thống chính trị và người dân.
Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu, trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2, đã ghi nhận tại nhiều quốc gia; do đó, trong thời gian tới, số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.
Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các địa phương ở phía Nam. Các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra “dịch chồng dịch” do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).