Tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, cha mẹ cần chuẩn bị gì? Trẻ mắc bệnh nào không được tiêm?

Cập nhật: Thứ năm 07/04/2022 - 09:58
 Ảnh minh họa (TTXVN)
Ảnh minh họa (TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Y tế, có 2 loại vắc-xin phòng COVID-19 được tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi gồm Pfizer và Moderna. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi vắc-xin cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vắc-xin mRNA nào.

Những thông tin cha mẹ cần chuẩn bị trước khi con tiêm phòng COVID-19

Trước khi đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên chuẩn bị những câu trả lời để khám tầm soát trước tiêm:

- Trẻ có bị dị ứng không?

- Trẻ đã bị viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim?

- Trẻ bị sốt?

- Trẻ có bị rối loạn đông máu?

- Trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng một loại thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch hệ thống?

- Trẻ đã được tiêm vắc-xin khác?

- Trẻ đã từng ngất xỉu liên quan đến tiêm thuốc?

Cha mẹ hoặc người giám hộ cần cung cấp cho nhân viên y tế biết chính xác về tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng của trẻ với các triệu chứng và điều trị cụ thể, tình trạng bệnh lý nền, các loại thuốc điều trị trẻ đang sử dụng. Những điều này rất quan trọng để bác sĩ có thể ra quyết định phù hợp trong việc chống chỉ định, chuyển viện hay cẩn trọng khi tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ và có kế hoạch theo dõi kỹ sau khi tiêm.

Trẻ mắc các loại bệnh nào nên trì hoãn hoặc không được tiêm vắc-xin phòng COVID-19?

Trước khi tiêm chủng, trẻ sẽ được khám sàng lọc. Theo đó, có 3 nhóm đối tượng trẻ cần phải thận trọng và khám sàng lọc, thực hiện tiêm tại các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên. Đó là nhóm trẻ mắc bệnh mạn tính bẩm sinh; tại thời điểm khám sàng lọc phát hiện trẻ có bất thường về tim, phổi; trẻ có phản ứng phản vệ với bất kỳ dị nguyên nào trước đó.

Các trường hợp cần thận trọng khi tiêm chủng là trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; trẻ có rối loạn về tri giác, gặp hội chứng tâm lý đám đông, tăng động, giảm chú ý…

Nhóm trẻ có tiền sử phản vệ với vắc-xin COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc-xin thuộc đối tượng chống chỉ định tiêm.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, cơ sở tiêm chủng phải nghiên cứu kỹ các thành phần của vắc-xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, để nếu phát hiện trẻ có tiền sử phản vệ với bất cứ thành phần nào của vắc-xin như muối, lipid, đường… thì phải xếp vào nhóm chống chỉ định tiêm.

Theo quy định, nhóm trẻ đang mắc bệnh cấp tính, bệnh mạn tính tiển triển hoặc các vấn đề khác, thuộc đối tượng phải trì hoãn tiêm chủng.

Đơn cử là những trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; đang trong đợt điều trị bệnh mạn tính như hóa trị liệu ung thư… cần trì hoãn cho đến khi trẻ kết thúc tình trạng bệnh cấp tính hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính, theo vị chuyên gia.

Với trẻ gặp hội chứng viêm đa cơ quan MIS-C (tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau bị viêm, gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa), bác sĩ khuyến cáo cần trì hoãn tiêm đến khi bệnh nhi hồi phục hoàn toàn bệnh lý này. Với trẻ đã mắc COVID-19, sau khi khỏi bệnh sau ít nhất 3 tháng, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi có thể tiêm vắc-xin phòng COVID-19, tiêm các liều cơ bản cùng loại vắc-xin cho trẻ.

TNĐT (b/s)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: