Tiêm mũi 4 để phòng COVID từ xa

Cập nhật: Chủ nhật 29/05/2022 - 06:25
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực tế đã chứng minh vai trò cực kỳ quan trọng của tiêm chủng vắc xin. Thời gian gần đây, chính nhờ chính sách bao phủ vắc xin toàn dân mà hậu quả từ COVID-19 để lại đối với sức khỏe người dân giảm đi rất nhiều, diễn biến dịch đỡ phức tạp hơn so với trước. Thời điểm này, Bộ Y tế chủ trương tiếp tục bổ sung mũi tiêm thứ 4 để gia tăng khả năng phòng, chống dịch từ xa, miễn dịch cộng đồng.

Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế, tỉnh Thái Nguyên đang gấp rút triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại lần 2 (mũi 4).

Đối tượng được tiêm lần này là người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 (gồm: Cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc trong các khu công nghiệp).

Vắc xin triển khai tiêm gồm: Vắc xin mRNA do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất; vắc xin do Astrazeneca sản xuất; vắc xin cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1).

Những trường hợp được tiêm phải có thời gian ít nhất là 4 tháng sau kh tiêm mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1) và người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3 (trì hoãn 3 tháng sau khi mắc COVID-19).

Theo thông tin từ Sở Y tế Thái Nguyên, thời gian chuẩn bị và triển khai tiêm đợt này bắt đầu từ tháng 5/2022, phấn đấu đến hết tháng 9/2022 sẽ hoàn thành. Ngành cũng cam kết tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng tiến độ; sử dụng 100% số liều vắc xin phòng COVID-19 được cấp để tiêm miễn phí theo quy định.

Nguyên tắc đề ra là sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin đủ điều kiện từ nguồn được Bộ Y tế phân bổ để tăng độ bao phủ vắc xin cho người dân; hoàn thành tiêm trước khi vắc xin hết hạn sử dụng để tránh lãng phí. Ngoài ra còn phải đảm bảo tiêm đúng liều, đúng quy trình kỹ thuật và an toàn trong phòng, chống dịch tại các điểm tiêm.

Ngành Y tế yêu cầu, tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin ở các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện tại tất cả các tuyến từ tỉnh đến xã, vừa tổ chức tiêm tại các điểm cố định vừa tổ chức tiêm lưu động. Lực lượng tham gia hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng được huy động tối đa.

Để đảm bảo chiến dịch tiêm chủng, các địa phương trong tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cần chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn và doanh nghiệp trong khu công nghiệp lập danh sách, đăng ký đối tượng tiêm của đơn vị gửi trung tâm y tế cấp huyện để tổng hợp, đồng thời phối hợp tổ chức tiêm theo đúng kế hoạch. Huy động lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ ngành Y tế cập nhật dữ liệu lên hệ thống quản lý tiêm chủng tại các điểm tiêm...

Như vậy có thể thấy, đây là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp tục nâng cao khả năng phòng, chống dịch COVID-19 trong cộng đồng mà trước mắt là các đối tượng ưu tiên. Việc tiếp tục tổ chức tiêm mũi nhắc lại lần 2 sẽ không chỉ giúp gia tăng miễn dịch cho nhân dân mà còn góp phần ổn định tình hình dịch bệnh, đảm bảo các hoạt động kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương.

Nguyễn San
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: