Ứng dụng công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh
Bệnh viện A Thái Nguyên đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý xét nghiệm. |
Với 24 đơn vị sự nghiệp công lập gồm 4 trung tâm tuyến tỉnh; 3 bệnh viện đa khoa, 5 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; 3 bệnh viện đa khoa, 9 trung tâm y tế tuyến huyện và 178 trạm y tế tuyến xã, Thái Nguyên có mạng y tế khá dày đặc. Sau hơn một năm triển khai Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2021-2025, ngành Y tế Thái Nguyên đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Hiện nay, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được ngành Y tế áp dụng, giúp công tác quản lý điều hành, khám, chữa bệnh đạt hiệu quả cao nhất, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số.
Đến nay, tỉnh đã cấp gần 38 tỷ đồng cho các đơn vị trực thuộc Sở Y tế thực hiện Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, 2 đơn vị được UBND tỉnh thông qua chủ trương về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện Đề án là Bệnh viện A Thái Nguyên và Bệnh viện Sức khỏe tâm thần, 10 đơn vị đã trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương.
Bác sĩ Hà Hải Bằng, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, cho biết: Được UBND tỉnh thông qua chủ trương sẽ giúp đơn vị yên tâm triển khai thực hiện Đề án và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyên môn một cách hiệu quả, thiết thực.
Đáng nói, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, ngành Y tế đã phối hợp với Viettel Thái Nguyên chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện và liên thông dữ liệu khám chữa bệnh, sử dụng Sổ sức khỏe điện tử toàn dân. Tính đến nay, đã có 205/213 cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện kết nối liên thông, với gần 1,1 triệu hồ sơ khám chữa bệnh được đẩy lên hệ thống (một số phòng khám đa khoa tư nhân chưa thực hiện kết nối).
Đồng thời, ngành Y tế đã chỉ đạo việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng tại các cơ sở y tế; lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ tại các cơ sở y tế phục vụ việc thanh toán viện phí; tạo và niêm yết tài khoản đơn vị để người bệnh thanh toán qua các dịch vụ Smart Banking, ví điện tử. Qua đó, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đã và đang phối hợp với các tổ chức ngân hàng xây dựng module kết nối giữa phần mềm của ngân hàng hoặc đơn vị trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) trong thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; xây dựng các quy trình và tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện.
Bà Mai Thị Thanh, ở xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên), nói: Mỗi lần đi khám ở các bệnh viện, tôi đều phải thanh toán viện phí bằng tiền mặt nên khá bất tiện. Có nhiều trường hợp đi viện, mang theo tiền mặt nên mất ví là mất cả số tiền lớn. Do đó, nếu được thanh toán viện phí không dùng tiền sẽ tạo thuận lợi rất nhiều cho người bệnh.
Đặc biệt, hiện nay, ngành Y tế Thái Nguyên cũng đã cấp mã liên thông cho 1.360/1.360 công ty, nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc nhằm liên thông phần mềm Dược Quốc gia, triển khai đăng ký mã định danh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và mã định danh bác sĩ, y sĩ để thực hiện liên thông đơn thuốc điện tử với Hệ thống đơn thuốc quốc gia. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý.
Một nhiệm vụ trọng tâm được ngành Y tế thực hiện hiệu quả thông qua ứng dụng công nghệ thông tin phải kể đến là việc phối hợp với Công an tỉnh triển khai “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” theo Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/01/2022 của Thủ tướng chính phủ. Theo đó, đến nay, đã có hơn 2,9 triệu trong tổng số gần 3,1 triệu mũi tiêm thực tế được cập nhật trên hệ thống. Trong đó có trên 2,8 triệu mũi tiêm tương đương với hơn 1,2 triệu người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh đã được ký hộ chiếu vắc-xin.
Cũng từ ứng dụng công nghệ thông tin, 6 tháng đầu năm 2022, hầu hết các cơ sở y tế đã thực hiện Hệ thống báo cáo thống kê điện tử (chỉ còn một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân chưa thực hiện cập nhật đủ số liệu trên hệ thống báo cáo). Ngoài ra, các đơn vị y tế còn triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ phòng, chống dịch COVID-19: Triển khai nền tảng xét nghiệm, nền tảng tiêm chủng, tổng đài chăm sóc F0…
Đối với y tế tuyến xã, Thái Nguyên cũng đã thống nhất triển khai sử dụng chính thức Hệ thống quản lý thông tin xã, phường, thị trấn tại 178 trạm y tế từ ngày 1/4/2022 theo Quyết định số 3532/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Chị Đinh Thị Sen, cán bộ Trạm Y tế phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Từ khi ứng dụng hệ thống này, chúng tôi đã thực hiện quản lý các công việc trên nền tảng số như quản lý công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình; khám, chữa bệnh; bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng, chống HIV/AIDS; tiêm chủng; uống vitamin A; phòng, chống suy dinh dưỡng… Nhờ đó đã giúp tuyến y tế cơ sở giải quyết các công việc một cách nhanh gọn, hiệu quả, “tiết kiệm” được nguồn nhân lực…
Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, ngành Y tế Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong công cuộc chuyển đổi số. Đây chính là nền tảng cơ bản để Thái Nguyên thực hiện thành công Đề án phát triển công nghệ thông tin y tế thông minh giai đoạn 2021-2025.