Đặc sắc văn hóa cộng đồng dân tộc Dao
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có gần 32,4 nghìn người dân tộc Dao, là 1 trong 8 dân tộc thiểu số có dân số lớn, được phân bố ở cả 9 huyện, thành phố, tập trung quần cư thành bản làng tại các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai và Đồng Hỷ. Sinh sống lâu đời ở Thái Nguyên, đồng bào dân tộc Dao đã tạo dựng được đời sống vật chất, tinh thần đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Đời sống văn hóa tinh thần của người Dao ở Thái Nguyên rất phong phú, thể hiện qua hệ thống các phong tục tập quán lâu đời. Trong ảnh: Lễ cấp sắc mang đậm nét đặc trưng của cộng đồng dân tộc Dao đã được sân khấu hóa, trở thành niềm tự hào của đồng bào.
Cộng đồng dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh có nhiều nhóm khác nhau (như: Dao Đỏ, Dao Lô Gang, Dao Quần Chẹt, Dao Coóc Mùn…) nhưng đều có điểm chung là thờ tổ tiên Bàn Vương và gìn giữ các phong tục tập quán của dân tộc. Trong ảnh: Lễ Tơ hồng trong đám cưới của người Dao ở xã Cây Thị (Đồng Hỷ).
Quan tâm bảo tồn văn hóa dân tộc, người Dao còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc cho đến ngày nay. Trong ảnh: Truyền dạy nghề thêu truyền thống của phụ nữ dân tộc Dao ở huyện Định Hóa.
Huyện Võ Nhai có đông người Dao nhất tỉnh, với gần 10,2 nghìn người, tập trung ở các xã: Liên Minh, Vũ Chấn, Nghinh Tường, Phương Giao… Trong ảnh: Bà con người Dao ở xã Vũ Chấn luôn giữ trang phục truyền thống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Phụ nữ dân tộc Dao ở xã Yên Ninh (Phú Lương) luyện tập điệu múa truyền thống.
Người Dao ở huyện Định Hóa đã thành lập nhiều nhóm bảo tồn điệu hát Pả Dung truyền thống.
Người Dao ở xã Quân Chu (Đại Từ) lưu truyền được nhiều bài thuốc nam rất quý, phục vụ nhu cầu chữa bệnh của bà con.