Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên: Nêu nhiều ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tại phiên thảo luận tổ chiều 1-11. |
Tiếp theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 1-11, các ĐBQH làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và dự án Luật Phòng thủ dân sự. Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia Tổ thảo luận số 6 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Nam Định và Trà Vinh.
Tham gia thảo luận, đại biểu Đoàn Thị Hảo, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Phòng thủ dân sự, giúp điều chỉnh bao quát, đầy đủ các hoạt động phòng thủ dân sự, tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với sự cố, thảm hoạ.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo cũng đánh giá cao sự chủ động, phối hợp giữa Bộ Quốc phòng với Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội trong công tác xây dựng Luật, giúp dự án Luật khi trình ra Quốc hội đạt chất lượng cao, đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn.
Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần quan tâm một số nội dung lớn như: Luật hóa những bài học kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn phòng thủ giữ nước của ông cha ta, những cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc, thành những nguyên tắc chung trong phòng thủ dân sự; các quy hoạch, kế hoạch và tổ chức xây dựng các công trình phòng thủ dân sự phải gắn chặt với quy hoạch, kế hoạch xây dựng thế trận quân sự của khu vực phòng thủ; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, với phương châm: Phát huy lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Đồng thời chú trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng; tận dụng tối đa các công trình dân sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, lợi thế địa hình, địa vật, điều kiện khí tượng, thủy văn ở địa phương cho nhiệm vụ phòng thủ dân sự.
Đối với quy định về hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự, theo đại biểu Đoàn Thị Hảo, cần tuân thủ nguyên tắc đúng đường lối, quan điểm của Đảng trong hợp tác quốc tế về phòng thủ dân sự, đồng thời cần có văn bản quy định chi tiết về nội dung này. Đại biểu cũng đề nghị khảo sát, nghiên cứu địa hình cụ thể tại các địa phương, khu vực…
Tham gia thảo luận về nội dung này, đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn Thái Nguyên) đề nghị bổ sung một số nội dung như: Quy định về chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các công trình lưỡng dụng; hỗ trợ về trang thiết bị kỹ thuật trong tìm kiếm cứu nạn; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo thiên tai; quy định về trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự trong tình trạng chiến tranh; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ trong khắc phục hậu quả sự cố, thảm hoạ…
Đối với dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Hảo nhất trí với việc bổ sung, điều chỉnh tổ hợp tác trong dự thảo Luật nhằm xác định địa vị pháp lý của tổ hợp tác; đồng thời đề nghị làm rõ hơn các điều kiện khác ngoài số lượng thành viên để chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã, như các điều kiện về nguồn lực tài chính, tài sản, quy mô hoạt động.
Về liên đoàn hợp tác xã, đại biểu đề nghị chưa luật hóa các nội dung liên quan tại dự thảo Luật này, để xem xét, điều chỉnh sau khi tổng kết đánh giá việc thí điểm một số liên đoàn hợp tác xã trên thực tế…