Gờ giảm tốc hay “cái bẫy” cho người đi đường
Gờ giảm tốc là một dạng vạch sơn kẻ đường nhằm cảnh báo cho người tham gia giao thông biết trước vị trí nguy hiểm, cần phải giảm tốc độ và chú ý quan sát để bảo đảm an toàn. Hiện nay, trên địa bàn T.P Thái Nguyên, gờ giảm tốc được lắp đặt ở nhiều địa điểm, dưới nhiều dạng khác nhau. Nhưng trên thực tế có nhiều cụm gờ giảm tốc chưa thực sự phát huy hiệu quả, thậm chí trở thành “cái bẫy” với người đi đường.
Trên địa bàn T.P Thái Nguyên có nhiều địa điểm được bố trí lắp gờ giảm tốc như: khu vực cổng Đại học Thái Nguyên, đoạn đường khu vực Khoa Quốc tế, khu vực Trường Đại học Khoa học, khu vực Trường Đại học Nông lâm,.. Có ý kiến đồng tình với việc lắp đặt gờ giảm tốc tại đây. Họ cho rằng, đoạn đường cong đi đến nhiều trường rất đông người qua lại, lắp gờ giảm tốc để hạn chế tốc độ của các phương tiện thì là điều nên làm. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến của người dân bày tỏ quan điểm các cụm gờ giảm tốc ở đây không những chưa phát huy hiệu quả mà đang trở thành chướng ngại vật đối với người đi đường, bởi các cụm gờ giảm tốc lắp đặt quá cao so với mặt đường, gây xóc mạnh và vô tình đang tạo ra “cái bẫy” nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Chị Nguyễn Thị Liên, phường Tân Thịnh (T.P thái nguyên) thường đi qua khu vực gờ giảm tốc qua Đại học Thái Nguyên (phường Tân Thịnh) cho biết: “Tôi thường xuyên qua lại trên con đường này, nhưng hầu như không đi vào gờ giảm tốc. Tôi biết, lắp gờ để nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông, nhưng gờ lắp khá cao so với mặt đường nên dù đi chậm xe cứ nhảy tưng tưng khó điều khiển. Vì thế, tôi phải “leo” lề đường để đi. Chưa bàn về hiệu quả, nhưng rõ ràng gờ giảm tốc ở đây đang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Em Nguyễn Thị Nhung, sinh viên Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) chia sẻ: Em đi xe đạp điện gầm thấp, mỗi lần đi qua gờ giảm tốc ở đoạn đường này, em luôn phải chuẩn bị tâm lý trước khi vượt qua vì độ rung của xe, với gờ giảm tốc này, tay lái kém đi qua rất dễ ngã.
Rõ ràng mục đích của việc lắp đặt gờ giảm tốc là nhằm hạn chế tốc độ của các phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, đến nay Bộ Giao thông - Vận tải vẫn chưa thống nhất quy chuẩn chính thức về việc đặt các cụm gờ giảm tốc. Bộ Giao thông - Vận tải mới chỉ ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BGTVT ngày 30/5/2017 về việc Hướng dẫn tạm thời về vị trí, kích thước và cách bố trí gờ giảm tốc, gồ giảm tốc tại vị trí đường bộ giao cắt đồng mức với đường sắt nhằm cảnh báo cho người điều khiển phương tiện xe cơ giới đường bộ biết để giảm tốc độ khi đi qua khu vực điểm giao cắt với đường sắt. Do chưa có quy chuẩn thống nhất về độ rộng, dày, khoảng cách lắp đặt hoặc quy định “bắt buộc phải đi qua gờ giảm tốc”, nên thực tế các gờ giảm tốc chưa phát huy được hết hiệu quả, thậm chí còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Về vấn đề này, ông Tân Hoàng Long, Chánh Văn phòng Ủy Ban An toàn giao thông tỉnh cho hay: Gờ giảm tốc lắp ở những nơi mất an toàn giao thông với mục tiêu giảm tai nạn giao thông, giảm tốc độ. Nhưng trên thực tế nếu vị trí đó không nhất thiết phải lắp thì đề nghị cơ quan chủ quản tháo bỏ. Nếu chỉ lắp mang tính chất biểu trưng, để người tham gia gia thông tránh nó thì không cần thiết. Ông Phạm Công Huấn, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng đồng tình: Mục đích của việc lắp đặt gờ giảm tốc là nhằm hạn chế tốc độ của các phương tiện tham gia giao thông, nhất là ở khu vực đông dân cư. Thế nhưng, do ý thức của những người tham gia giao thông chưa tốt nên khi đi đến những đoạn gờ giảm tốc vẫn không giảm tốc độ. Khi lắp đặt gờ giảm tốc, cần chú ý tới đoạn đường đó thời gian trước có đối tượng phóng nhanh vượt ẩu, hay là vị trí nguy hiểm nhiều người qua lại không? Nếu không bảo vệ an toàn cho chúng ta thì cần phải gỡ bỏ.
Để gờ giảm tốc phát huy tác dụng, không trở thành “cái gai”, “vật trang trí” đối với người đi đường thì các cơ quan chức năng cần thống nhất tiêu chuẩn thiết kế, lắp đặt và điều chỉnh phạm vi áp dụng thực hiện đối với người dân. Đối với khu vực gần các trường học, có thể gắn biển báo vào sơn gờ giảm tốc để mọi người nhận biết, hoặc chèn thêm một vạch nữa vào giữa hai vạch để làm hẹp rãnh của gờ giảm tốc, hạn chế rung lắc, tiếng ồn của các phương tiện mỗi khi lưu thông.