Hàng trăm doanh nghiệp vận tải "nháo nhào" vì… thông báo mới

Cập nhật: Thứ tư 05/07/2017 - 09:50

Trước việc Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) vừa có văn bản số 2916/C67-P9 ngày 31/5/2017 về việc xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp trong ngân hàng, khẳng định việc xử phạt phương tiện tham gia giao thông mà không mang đăng ký gốc là đúng quy định, hàng trăm doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng đang "nháo nhào" liên hệ với ngân hàng nơi thế chấp tài sản để làm việc về nội dung trên và ngược lại. Hệ thống chi nhánh các ngân hàng trên địa bàn hiện đang bế tắc, chưa có hướng giải quyết cho vấn đề này.

Nội dung văn bản số 2916/C67-P9 ngày 31/5/2017 của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nêu rõ: "Đối với những phương tiện thế chấp ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực theo đúng quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và công văn số 3851/NHNH-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

 

Theo đó, mới đây nhiều phương tiện được mua dạng trả góp hay thế chấp ngân hàng bất ngờ bị lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nhắc nhở và có nơi xử phạt vì không mang Giấy đăng ký xe gốc mà chỉ mang bản phô tô có dấu công chứng của ngân hàng nơi bảo lãnh cho vay mua phương tiện.

 

Ngày 24/5/2017, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng đã có văn bản số 3851/NHNN-PC về việc khách hàng thế chấp phương tiện giao thông. Theo đó, bên thế chấp giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP.

 

Theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải, trên thực tế từ trước đến nay khi ngân hàng bảo lãnh cho cá nhân, doanh nghiệp mua xe luôn giữ lại Giấy đăng ký gốc và chỉ gửi lại cho chủ xe bản phô tô kèm theo đóng dấu xác nhận của ngân hàng. Lý giải vấn đề này, đại diện Ngân hàng Quân đội chi nhánh Hải Phòng cho biết, từ trước đến nay ngân hàng giữ lại Giấy đăng ký gốc là do khi mua xe trả góp tại tất cả các ngân hàng, để được vay mua xe, khách hàng sẽ phải ký giấy đề nghị ngân hàng giữ hộ đăng ký bản gốc. Tuy nhiên, nhiều đại diện doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng cho biết, họ không được các nhân viên ngân hàng tư vấn, hướng dẫn về nội dung trên.

 

Trong khi đó, theo thông báo mới của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), nếu thời điểm này các phương tiện giao thông tham gia mà không mang theo đăng ký gốc sẽ bị xử phạt theo quy định. Anh Phạm Văn Khải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải và xuất nhập khẩu Khải Anh cho biết: Công ty có 10 phương tiện, hiện đang lưu thông vận chuyển hàng. Ngày 3/7/2017, Công ty đã làm việc với ngân hàng nơi có một số phương tiện của Công ty đang thế chấp, nhưng ngân hàng đang hẹn chờ xử lý. Do đó, trong thời gian chờ, Công ty không thể cho xe lưu thông, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

 

Cũng như Công ty TNHH Thương mại vận tải và xuất nhập khẩu Khải Anh, nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hải Phòng đã liên hệ với các ngân hàng liên quan để giải quyết vấn đề này. Theo ý kiến chung của đại diện nhiều ngân hàng, nếu trả đăng ký phương tiện gốc cho các cá nhân, ngân hàng sẽ khó giám sát việc mua bán phương tiện, từ đó khó kiểm soát hiện trạng tài sản được thế chấp.

 

Hải Phòng hiện là địa phương có số phương tiện vận tải hàng hóa nói chung và phương tiện đầu kéo nói riêng lớn thứ hai cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh. Việc Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) ra văn bản số 2916/C67-P9 ngày 31/5/2017 về việc xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện thế chấp trong ngân hàng, đang khiến doanh nghiệp gặp khó khăn./.


TNĐT
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: