Rà soát, loại bớt “giấy phép con” ngành GTVT

Cập nhật: Thứ tư 27/04/2016 - 08:05
 Rà soát, loại bớt “giấy phép con” ngành GTVT - Ảnh minh họa.
Rà soát, loại bớt “giấy phép con” ngành GTVT - Ảnh minh họa.

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tại cuộc họp với các Thứ trưởng, thủ trưởng các cơ quan tham mưu chiều qua, 26/4.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về các nội dung liên quan đến tình hình triển khai các dự án sử dụng vốn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; đề án và dự án thu phí không dừng; danh mục và kế hoạch xây dựng các nghị định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực GTVT; công tác truyền thông của Bộ GTVT,…

 

Báo cáo về nội dung danh mục và kế hoạch xây dựng các nghị định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực GTVT, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, để triển khai Luật Đầu tư, Bộ GTVT đã hoàn thành việc đăng ký lên Cổng thông tin Quốc gia. Theo đó, trong 267 ngành nghề kinh doanh theo Luật Đầu tư thì Bộ GTVT có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác này còn một số vướng mắc.

 

Cụ thể, theo quy định của Bộ Công thương về cơ sở sản xuất lắp rắp xe ô tô và chỉ đạo của Chính phủ (năm 2010) về việc hình thành rào cản kỹ thuật trong sản xuất, nhập khẩu, Bộ Công thương đã ban hành thông tư quy định về nhập khẩu xe, trong đó quy định, các cơ sở nhập khẩu xe ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng có đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp giấy chứng nhận.

 

“Trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ và các quy định hiện hành, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 19 quy định về tiêu chuẩn cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư quy định về tiêu chuẩn cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phải đưa lên để xây dựng Nghị định. Trên thực tế của Luật Đầu tư hiện nay không quy định ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó không có cơ sở để quy định cơ sở bảo hành, bảo dưỡng là ngành kinh doanh có điều kiện”, bà Nga nói.

 

Thứ hai, về tính khả thi, trước đây, các Quyết định 115 và Thông tư 19 chỉ quy định đối tượng là các cơ sở sản xuất, lắp ráp nhập khẩu xe ô tô, hiện nay nếu chiếu theo quy định của Luật Đầu tư thì sẽ phải mở rộng sang tất cả các cơ sở sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng. “Điều này sẽ động chạm đến rất nhiều các hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp nhỏ lẻ, gây ra tác động xã hội rất lớn, đây chính là vướng mắc, rào cản lớn trong quá trình triển khai thực hiện”, bà Nga nói và kiến nghị Bộ GTVT cần có văn bản báo cáo Thủ tướng để đưa ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

 

Cho ý kiến về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa chỉ đạo: “Phải rà soát lại, với ngành nghề nào có thể bỏ được thì phải bỏ, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bởi giữ lại cũng không giải quyết được vấn đề gì, lại dễ nảy sinh tiêu cực”. Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan phải nỗ lực rà soát để kịp báo cáo Chính phủ vào cuối tháng 5/2016.

 

Đề cập tới công tác truyền thông của Bộ GTVT, Bộ trưởng cho biết: “Hôm qua có một phóng viên nhắn tin cho tôi phản ánh về việc lịch công tác của Bộ GTVT không được cung cấp cho phóng viên theo dõi ngành như trước đây, tôi đã trả lời là không có chuyện đó”.

 

Sau khi nghe ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định: Đối với công tác truyền thông, chúng ta luôn cởi mở, không có vùng cấm nào hết. Quan điểm của Bộ GTVT là tiếp tục công khai, minh bạch thông tin. Vấn đề là thông tin cần phải chính xác, khách quan, phù hợp với từng công việc cụ thể”.

 

Người đứng đầu ngành GTVT cũng yêu cầu các cơ quan của Bộ GTVT phải quan tâm và chú trọng đến công tác truyền thông, chủ động cung cấp thông tin khách quan cho các cơ quan báo chí.


Nguồn: Báo Giao thông
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: