“5 cùng” của nông dân
Vụ mùa năm nay, các thành viên Tổ hội nghề nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao Bến Vượng, phường Thắng Lợi (TP. Sông Công) đưa vào gieo cấy đại trà giống lúa thuần chất lượng cao HANA 6. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Sông Công phối hợp với thành viên Tổ hội thăm đồng, kiểm tra tình hình phát triển của cây lúa. |
Thời gian qua, Hội Nông dân TP. Sông Công đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên thành lập các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Thông qua đó, các thành viên được tiếp cận về vốn, khoa học kỹ thuật, liên kết xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả.
Trên cơ sở câu lạc bộ chăn nuôi của xã, năm 2020, Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi trang trại xã Bá Xuyên được thành lập, thu hút 27 thành viên tham gia. Anh Nguyễn Đình Phiến, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi trang trại Bá Xuyên, cho biết: Trước đây, dù có lợi thế để phát triển kinh tế trang trại, song bà con “mạnh ai nấy làm” nên việc chăn nuôi trên địa bàn chưa thực sự mang lại hiệu quả. Khi Chi hội được thành lập, các thành viên đã thường xuyên sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức chăn nuôi, đặc biệt là liên kết tìm đầu ra. Nhờ đó, đến nay, hoạt động chăn nuôi của các hộ đi vào nền nếp, khuyến khích nhiều hộ mở rộng đầu tư phát triển chăn nuôi lớn theo hướng gia trại, trang trại. Toàn xã hiện có 44 trang trại chăn nuôi gà, quy mô 8.000 -10.000 con/lứa, thu nhập bình quân đạt 150-300 triệu đồng/năm.
Tương tự, tại tổ dân phố Bến Vượng, phường Thắng lợi, trước đây, nông dân gieo cấy nhiều giống lúa khác nhau dẫn đến mùa vụ không đồng nhất, ảnh hưởng tới năng suất. Từ thực tế này, năm 2021, gần 60 hộ dân địa phương đã liên kết để thành lập Tổ hội nghề nghiệp sản xuất lúa chất lượng cao và đưa vào gieo cấy đại trà giống lúa lai LC25, quy mô 8ha.
Sau khi thu hoạch, năng suất lúa LC25 đạt cao hơn 0,5 tạ/sào so với giống cũ. Ông Nguyễn Văn Lượng, thành viên trong Tổ chia sẻ: Từ khi áp dụng mô hình cánh đồng lúa một giống, tôi thấy việc chăm sóc và thu hoạch thuận lợi hơn. Đặc biệt, chúng tôi được tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, chuyển đổi hình thức canh tác giúp giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập.
Theo ông Trần Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Sông Công: Việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp đã và đang là mô hình tập hợp nông dân hiệu quả. Thông qua hoạt động các chi, tổ hội ở cơ sở đã đáp ứng lợi ích thiết thực của hội viên nông dân, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội. Đặc biệt, hiệu quả từ các mô hình này đã từng bước thay đổi tư duy của hội viên nông dân trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương và mở ra xu hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Từ thực tế đó, nhằm khuyến khích thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội Nông dân TP. Sông Công đã xây dựng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, với các hội viên nông dân sản xuất giỏi làm nòng cốt. Đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tư vấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, dạy nghề, đặc biệt là hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn để nông dân phát triển kinh tế.
Theo đó, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp hiện trên 4,2 tỷ đồng, Hội đã thực hiện 10 dự án giúp 102 hộ hội viên vay vốn; dư nợ ủy thác vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội qua tổ chức Hội hiện đạt trên 53 tỷ đồng, với 954 hộ vay; Hội Nông dân tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với dư nợ trên 30 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 205 hộ vay vốn...
Nhờ triển khai, thực hiện tốt các giải pháp, giai đoạn 2019-2022, Hội Nông dân TP. Sông Công đã thành lập được 3 hợp tác xã, 5 tổ hợp tác, 2 chi hội nghề nghiệp và 5 tổ hội nghề nghiệp, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông sản, dịch vụ. Với tiêu chí “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ trách nhiệm và cùng hưởng lợi), các chi, tổ hội nghề nghiệp được thành lập không chỉ góp phần xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh mà còn làm tiền đề cho kinh tế tập thể trên địa bàn tiếp tục phát triển.
Thời gian tới, Hội Nông dân TP. Sông Công tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn Hội Nông dân các xã, phường lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực sản xuất để xây dựng các mô hình kinh tế tập thể phù hợp. Qua đó, giúp nông dân chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; khơi dậy sự năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm của hội viên nông dân trong phát triển kinh tế.