Bảo vệ môi trường với công nghệ “đất hoá đá”

Cập nhật: Thứ năm 27/11/2014 - 10:40
 Ông Trần Văn Xuyên, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Ngân Xuyên kiểm tra sản phẩm gạch.
Ông Trần Văn Xuyên, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Ngân Xuyên kiểm tra sản phẩm gạch.

Công nghệ sản xuất gạch từ đất và phế thải rắn, không qua nung đốt, không sử dụng xi măng (công nghệ “đất hoá đá”) hiện được coi là công nghệ tối ưu nhất trong việc vừa sản xuất gạch xây dựng chất lượng tốt vừa bảo vệ môi trường. Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Ngân Xuyên, trụ sở tại xóm Bắc Bé, xã Yên Ninh (Phú Lương) là công ty đầu tiên trên địa bàn tỉnh sản xuất thành công bằng công nghệ này.

Như chúng ta đã biết, sản phẩm gạch nung có nhiều khuyết điểm như sử dụng đất màu để sản xuất, việc đốt gạch sử dụng than đá vừa tốn kém, vừa gây ô nhiễm môi trường. Chính phủ đã ban hành các quy định hạn chế sử dụng gạch nung, cấm hoàn toàn hoạt động đốt gạch nung thủ công vào năm 2015 và khuyến khích sản xuất, sử dụng gạch không nung. Hiện nay, gạch không nung có khá nhiều loại với công nghệ sản xuất khác nhau như: gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông nhẹ… nhưng sản phẩm được đánh giá cao nhất về bảo vệ môi trường vẫn là gạch không nung sử dụng công nghệ polymer hoá hay công nghệ “đất hoá đá”.

 

Công nghệ “đất hoá đá” hiểu đơn giản là công nghệ sản xuất gạch không nung đạt tiêu chuẩn xây dựng từ các loại đất không phải đất màu như đất đá, đất đồi núi bạc màu hoặc các loại mạt đá vôi, cát, sạn, sỏi, rác thải rắn xây dựng, đất đào móng ao hồ, gạch vỡ, vôi vữa, than tổ ong nấu bếp, rác thải rắn công nghiệp (không độc), tro bay, xỉ than... kết hợp với phụ gia, qua lực ép. Sau khi ép tạo khuôn, viên gạch được để ra ngoài môi trường 25 - 30 ngày, trong thời gian này, phần đất trong viên gạch xảy ra phản ứng hoá học, dần cứng hoá (hoá đá). Loại gạch này có ưu điểm: bề mặt phẳng, kích thước đồng đều, tiết kiệm vữa, cách âm, cách nhiệt, chịu lực tốt, ngâm trong nước độ chắc bền cao…

 

Kết quả kiểm tra gạch không nung sử dụng công nghệ "đất hóa đá" của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy, gạch có độ nén đạt 120-130kg/cm2; độ uốn là 43kg/cm2; độ hút nước 8,8% - 9,5%, trong khi đó, độ hút nước cho phép nhỏ hơn 18%. Công nghệ "đất hóa đá'' cũng giải quyết triệt để bài toán môi trường do gạch không qua khâu nung đốt, các loại đất sử dụng là đất phế thải không ảnh hưởng đến đất nông nghiệp. Công nghệ sản xuất gạch không nung “đất hoá đá” đã có trên thế giới cách đây vài chục năm tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây, công nghệ và sản phẩm gạch không nung “đất hoá đá” mới được sử dụng tại Việt Nam. Hiện nay, một số viện nghiên cứu khoa học ở nước ta đã chế tạo thành công dây chuyền thiết bị sản xuất loại gạch này.

 

Tại Thái Nguyên, Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Ngân Xuyên là công ty đầu tiên ứng dụng và sản xuất gạch không nung thành công theo công nghệ “đất hoá đá”. Trực tiếp quan sát, chúng tôi thấy vật liệu công ty sử dụng là đất đồi bạc màu, kết hợp với đá nhỏ. Các loại vật liệu này được cho qua máy nghiền thành bột mịn đổ vào thùng chứa, sau đó loại bột này được trộn với phụ gia dạng nước trong máy trộn rồi được chuyển tới máy nén ép thành viên gạch. Quá trình sản xuất hoàn toàn tự động, không sử dụng đến nhiệt nung. Kiểm tra sản phẩm gạch thành phẩm, chúng tôi thấy viên gạch phẳng, nhẵn, rắn chắc, ít thấm nước. Ông Trần Văn Xuyên, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Công ty đã đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm tại Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm đạt các thông số về độ nén, độ uốn, độ hút nước theo tiêu chuẩn Việt Nam. Sản phẩm gạch của Công ty cũng đã có chứng nhận tiêu chuẩn và đăng ký hợp chuẩn.

 

Dây chuyền sản xuất gạch được Công ty đầu tư từ đầu năm 2013 và đưa vào vận hành từ tháng 10-2013 với công suất thiết kế 6 triệu viên gạch/năm. Tổng vốn đầu tư của dây chuyền này là 5,4 tỷ đồng, trong đó có 240 triệu đồng hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2013. Ông Trần Văn Xuyên cho biết: Trong quá trình xây dựng, lắp đặt dây chuyền, tôi được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đặc biệt là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) và Sở Xây dựng quan tâm, giúp đỡ. Dây chuyền hoạt động ổn định, quá trình sản xuất khá thuận lợi.

 

Tuy nhiên, do tâm lý người dân vẫn ưa chuộng sản phẩm gạch nung truyền thống nên sản phẩm gạch của Công ty vẫn tiêu thụ chậm, chủ yếu phục vụ các công trình sử dụng vốn Nhà nước. Năm 2013, Công ty sản xuất, tiêu thụ được gần 4 triệu viên gạch, đạt doanh thu 3 tỷ đồng nhưng 10 tháng năm 2014 Công ty chỉ sản xuất, tiêu thụ được khoảng 1 triệu viên, đạt doanh thu gần 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty cũng gặp nhiều khó khăn trong vay vốn ngân hàng. “Công ty chỉ mong muốn Nhà nước tiếp tục có thêm chính sách hỗ trợ, kích cầu đối với sản phẩm gạch không nung theo công nghệ thân thiện với môi trường” - ông Trần Văn Xuyên đề nghị.

Quốc Tuân
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: